Vì sao dự án tư nhân lại áp giá nhà nước?: (Bài 1): “ Cầm đèn chạy trước ô tô”

27/04/2020 14:03

Theo dõi trên

Mặc dù còn nhiều hộ dân chưa đồng thuận với việc đền bù, nhưng công ty TNHH ToGi Việt Nam vẫn tiến hành san lấp mặt bằng, thay đổi hiện trạng đất. Việc này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất nông nghiệp của nhiều hộ dân. Sự việc xảy ra tại thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội.

Ngày 02/06/2004, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ra Quyết định số 1724/QĐ-UB phê duyệt địa điểm lập Dự án đầu tư xây dựng trung tâm thương mại và các dịch vụ phụ trợ của công ty TNHH ToGi Việt Nam tại xã Quang Minh, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc, nay là huyện Mê Linh TP Hà Nội. Đến ngày 13/10/2004, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ra Quyết định số 3820/QĐ-CT phê duyệt phương án bồi thường GPMB để thực hiện dự án. Ngày 08/05/2007, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ra Quyết định số 1286/QĐ-UBND thu hồi 50.590,0 m2 với 159 hộ dân có liên quan.

Người dân chưa đồng thuận

Cho đến nay là 16 năm đã trôi qua, việc GPMB tại dự án của Công ty TNHH ToGi Việt Nam vẫn chưa thể hoàn thành, do nhiều hộ dân chưa đồng thuận với đơn giá đền bù và cách làm của cơ quan chức năng địa phương cùng doanh nghiệp. 

 
screenshot20200427 105237kinemaster

Nhiều hộ gia đình chưa chấp thuận đơn giá đền bù nhưng phía công ty ToGi vẫn cho người san lấp, giải phóng mặt bằng.

 

Nhiều hộ dân ở thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội bức xúc về việc công ty TNHH ToGi Việt Nam trong quá trình thực hiện dự án đã san lấp đất ruộng của người dân, quây tôn, rào chắn toàn bộ khu đất rộng hàng chục ngàn m2 khi chưa hoàn thành công tác đền bù, nên người dân đã gửi đơn tố cáo tới cơ quan chức năng.

Ông Nguyễn Văn Thời, người dân tổ 11 thị trấn Quang Minh cho biết: “Hiện nay các hộ dân không đồng tình về giá đền bù do phía công ty TNHH ToGi Việt Nam chi trả cho người dân, người dân nghi ngờ việc áp giá chi trả tiền đền bù, hỗ trợ thiếu sự minh bạch, công khai giữa các hộ dân”.

Chính quyền địa phương yêu cầu giữ nguyên hiện trạng 

Trong khi còn rất nhiều gia đình chưa nhận tiền đền bù, nhưng phía Công ty TNHH ToGi Việt Nam đã đưa rất nhiều phương tiện, máy móc tiến hành san lấp, gây hư hại đến diện tích đất canh tác của người dân. 

 
screenshot20200427 105436kinemaster

Phía công ty đã quây tôn, lập barie không cho người dân vào chính ruộng của mình.

 

Trao đổi về vấn đề này bà Trương Thị Vân Anh, Phó chủ tịch UBND thị trấn Quang Minh cho biết: “Đối với 18 hộ dân chưa nhận tiền thì thị trấn cũng yêu cầu công ty là giữ nguyên hiện trạng để thị trấn tiếp tục tuyên truyền, mời các hộ lên làm việc để đảm bảo đúng quyền lợi của nhân dân”.

Theo quy định pháp luật, Công ty ToGi chỉ được phép san lấp ruộng của dân khi đã thực hiện xong việc đền bù. Trường hợp hộ dân nào không chấp thuận bàn giao mặt bằng, theo quy trình doanh nghiệp phải báo cáo chính quyền địa phương để cưỡng chế. Việc tự ý san lấp, thay đổi hiện trạng khi người dân còn bất đồng, là hành vi lạm quyền “ cầm đèn chạy trước ô tô”.

Trong bài sau, chúng tôi sẽ phân tích góc độ pháp lý của dự án đề làm rõ việc vì sao một dự án của tư nhân lại được áp giá đền bù của Nhà nước, mà lẽ ra người dân có quyền thỏa thuận theo giá thị trường.

Cao Thạch Thảo
Bạn đang đọc bài viết "Vì sao dự án tư nhân lại áp giá nhà nước?: (Bài 1): “ Cầm đèn chạy trước ô tô”" tại chuyên mục Pháp luật. Hotline: 088 888 2323 - 0986 836 036

Quý đơn vị có nhu cầu quảng cáo vui lòng liên hệ hotline 0986.836.036