Người xưa có câu “Vua chơi lan, quan chơi trà”, từ một thú chơi hoa lan nhân văn, tao nhã có truyền thống ngàn đời, ngày nay hoạt động sản xuất, nuôi trồng và kinh doanh hoa lan đang trở thành một ngành kinh tế sinh thái ở nhiều địa phương, góp phần thay đổi đời sống vật chất và tinh thần của người dân, trong đó có xã Đông La, huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Phát triển từ những nhà vườn nhỏ lẻ, đến nay, Đông La đã lớn mạnh cả về quy mô và chất lượng, được đông đảo người yêu hoa lan cả trong nước và nước ngoài biết đến. Cũng chính vì lẽ đó mà nhắc đến Đông La, người ta thường nghĩ ngay đến vựa lan lớn nhất nhì miền Bắc.
Ông Vương Xuân Nguyên, Chánh văn phòng Hội sinh vật cảnh TP Hà Nội cho biết: “Làng nghề hoa lan xã Đông La, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội là một trong những làng nghề sớm nhất về hoa lan, đang được Văn phòng điều phối nông thôn mới TP Hà Nội và Chi cục phát triển nông thôn xem xét hoàn thiện hồ sơ để công nhận là làng nghề hoa lan đầu tiên của cả nước cũng như Thủ đô Hà Nội".
Làng Đông La hiện tại có khoảng 200 hộ chuyên sản xuất về hoa lan, có những hộ có quy mô lên tới hàng hecta. Các đơn vị chủ động dồn điền đổi thửa, thực hiện những nội dung trong xây dựng nông thôn mới cách đây hơn chục năm. Đến nay, cùng sự phát triển của các chính sách về nông thôn mới, làng nghề hoa lan đã phát triển với tư cách một ngành sản xuất hàng hóa đem lại giá trị kinh tế cao.
Có được kết quả và thành công như hôm nay là cả quá trình nỗ lực, miệt mài, vượt qua mọi khó khăn của các chủ nhà vườn hoa lan Đông La. Cùng với đó, không thể không kể đến công lao của những người đầu tiên mang ngành nghề này về phát triển tại địa phương.
Ông Hoàng Ngọc Hàn, người đầu tiên mang nghề nuôi trồng, kinh doanh hoa lan về với Đông La chia sẻ: “Năm 1993 bắt đầu tôi đi làm nghề hoa lan này và mang cây hoa lan về đất Đông La. Cũng rất vinh dự là người đầu tiên leo lên những ngọn núi lấy hoa lan về quê hương trồng. Đến giờ con cháu cũng theo, tôi muốn làm sao mọi người yêu, trân trọng và phát triển lấy nghề.”
Việc các làng nghề thủ công truyền thống khác đẩy mạnh sản xuất thường đi đôi với vấn đề lo ngại là sự ô nhiễm môi trường. Nhưng với ngành hoa lan, càng mở rộng sản xuất, môi trường sẽ ngày càng được cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần của người dân sẽ không ngừng được nâng lên.
Anh Tạ Công Thực, Chủ tịch Hội nhà vườn hoa lan Đông La bộc bạch: “Để có được Đông La như ngày hôm nay, chúng tôi phải cảm ơn rất nhiều thế hệ những người đi trước, khai mở, tạo điều kiện, chia sẻ cho chúng tôi tiếp nối thành công với nghề như bây giờ. Hiện có hai hàng lan là thông thường và đột biến, mình khát khao nhất là sự đoàn kết của anh em, cho dù hàng VAR hay hàng thường, anh em ba miền, đoàn kết như lời Hồ Chủ tịch dạy thì mới có thành công.”
Bởi những giá trị cả về tinh thần và vật chất mà nghề nuôi trồng, kinh doanh hoa lan mang lại, chính quyền xã Đông La đã và đang có những hướng đi để đưa hoa lan trở thành sản phẩm OCOP cũng như trở thành làng nghề truyền thống trồng lan đầu tiên của Thủ đô cũng như của cả nước.
Tại cuộc triển lãm lần này có trên 200 tác phẩm đặc sắc của làng nghề hoa lan xã Đông La, 66 bức ảnh hoa lan nghệ thuật của các nhà vườn lớn trong cả nước cùng tụ hội, khoe sắc.
Song song với hoạt động triển lãm các tác phẩm hoa lan nghệ thuật, BTC sự kiện sẽ lồng ghép thêm nội dung vận động và đấu giá một số sản phẩm nông nghiệp có giá trị và vật phẩm quý giá để gây quỹ ủng hộ đồng bào miền Trung đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt.
Dự kiến buổi đấu giá và phát động các hoạt động gây quỹ sẽ diễn ra vào ngày 30/10/2020.