"Đại gia" "bóp cổ" đường làng ở Gia Lâm, Hà Nội: Vừa sai, vừa... tham

23/11/2019 09:07

Theo dõi trên

Một hộ dân ở xã Dương Quang, huyện Gia Lâm, Hà Nội lấn chiếm đất công, xây dựng nhà làm đường làng bị "thắt cổ chai", khiến hàng trăm hộ dân bức xúc.

Theo đơn tố cáo của người dân đội 3, thôn Yên Mỹ, xã Dương Quang, huyện Gia Lâm, Hà Nội gửi đến Truyền hình báo Người Đưa Tin phản ánh gia đình ông Phan Hồng Dân ngụ tại đội 3, thôn Yên Mỹ xây nhà lấn chiếm đường giao thông khiến nhiều hộ dân bức xúc.

Chiếm đất công, "bóp cổ" đường làng

Đơn tố cáo của hàng chục hộ dân do bà Đào Thị Tẹo (80 tuổi) đại diện đứng tên có nêu, đường vào đội 3, đội 4 thôn Yên Mỹ là tuyến đường huyết mạch lưu thông của hơn ngàn hộ dân sinh sống, được nhà nước đầu tư đổ bê tông từ lâu. Nhưng gia đình ông Phan Hồng Dân vẫn đào móng, xây nhà trên hành lang đường, đè lên đường ống nước sạch khiến con đường bị thu hẹp, cản trở người tham gia giao thông.

Có mặt tại thôn Yên Mỹ, PV nhận thấy hàng chục hộ dân có mặt tại khu vực gia đình ông Dân để phản đối việc xây nhà chiếm đường giao thông. Theo quan sát của PV, ngôi nhà 3 tầng khang trang của nhà ông Dân mới xây nằm sát đường bê tông dẫn vào đội 3, đội 4 thôn đúng như người dân phản ánh. Trong đó tại phía mặt đường, phần móng của ngôi nhà nằm sát với đường bê tông, nơi có đồng hồ, đường ống nước sạch. 

sequence 0100073320still011

Căn nhà 3 tầng của ông Dân "đè" lên đường của thôn Yên Mỹ

So với các ngôi nhà khác trong thôn, tường nhà ông Dân nằm sát mép đường bê tông, phần lề đường bị chiếm trọn. Người dân nơi đây cho biết, trước đây phần đất nhà ông Dân có tường bao nằm sâu bên trong nhưng từ khi xây nhà, gia đình ông Dân đã đập tường cũ để lấn chiếm ra lề đường khiến con đường bị thu hẹp, thắt cổ chai tại vị trí này.

Được biết, mảnh đất của gia đình ông Phan Hồng Dân là 1 trong 3 mảnh đất của ông Phan Văn Đan (bố ông Dân) chia cho 3 người con có vị trí nằm liền nhau. Trước đó, năm 1999 cũng mảnh đất này, gia đình ông Phan Văn Đan từng bị ông Nguyễn Văn Khách thời điểm đó là trưởng thôn cùng một số hộ dân tố cáo lên huyện Gia Lâm về việc gia đình ông Đan lấn chiếm 652m2 đất công.

Sau đó, UBND huyện Gia Lâm đã có văn bản số 701 năm 2001 kết luận việc ông Nguyễn Văn Khách tố cáo gia đình ông Phan Văn Đan lấn chiếm đất công là có cơ sở. Trong khi gia đình ông Đan chỉ có 496m2 trong số 1148m2 đất đang sử dụng là hợp lệ. UBND huyện Gia Lâm cũng giao cho UBND xã Dương Quang ra quyết định thu hồi 586m2 đất phần của hộ ông Đan lấn chiếm, thực hiện trước ngày 15/01/2002.

Sau đó, UBND xã Dương Quang cũng ra văn bản số 02/QĐ-UB năm 2002 về việc quyết định thu hồi diện tích 586m2 đất tại thửa số 01 – 02 thuộc tờ bản đồ số 23 của hộ ông Đan lấn chiếm trước năm 1994.

Tại bản danh sách kê khai những hộ lấn chiếm đất tại đội 3 thôn Yên Mỹ cũng thể hiện rõ gia đình bà Ngô Thị Chút (vợ ông Đan đứng tên) lấn chiếm 586m2 nhưng không hiểu sao diện tích 586m2 đất lấn chiếm vẫn không được thu hồi khiến nhiều hộ dân bức xúc.

Hơn 20 năm chưa xử lý dứt điểm

Hơn 20 năm chờ đợi, người dân đã gửi hàng chục lá đơn lên UBND xã Dương Quang và UBND huyện Gia Lâm tố cáo việc hộ nhà ông Đan lấn chiếm đường nhưng không được giải quyết dứt điểm khiến người dân thất vọng. Vụ việc được đẩy lên đỉnh điểm sau khi ông Đan chia lại mảnh đất cho 3 người con, trong đó mảnh đất của ông Dân sát đường bê tông được xây dựng vào tháng 6/2017 như đã nói ở trên.

Người dân cho biết, khi hộ gia đình ông Dân đào móng xây nhà lấn vào hành lang đường giao thông, đè lên ống nước sạch thì bị hàng chục hộ dân phản đối, sau đó thấy ngôi nhà tạm dừng thi công. 

sequence 0100085118still010

Sau 20 năm, vụ việc chưa giải quyết dứt điểm khiến nhiều hộ dân bức xúc

Ngày 07/02/2017, UBND xã Dương Quang ra thông báo số 22 về việc công khai diện tích đất của hộ ông Dân để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nếu không có ai thắc mắc, khiếu nại. Trong thông báo thể hiện rõ diện tích đất của ông Dân tăng biến động là 28,4m2 so với bản đồ đo vẽ năm 1993 – 1994, trong đó 18,9m2 là sử dụng đất công, 9,5m2 là do ông Phan Đình Thái (em trai ông Dân) tặng.

Sau khi nhận được thông báo của UBND xã Dương Quang, hàng chục hộ dân vẫn tiếp tục tố cáo, kiến nghị. Tuy nhiên, sau gần một năm dừng thi công, bất chấp sự phản đối, tố cáo của người dân, đầu năm 2018 ngôi nhà được xây dựng trở lại và hoàn thành. Theo người dân thì đến thời điểm này gia đình ông Dân đã xin được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho mảnh đất này.

Từ đó người dân tiếp tục gửi đơn đến UBND xã Dương Quang và UBND huyện Gia Lâm tố cáo vấn đề này và đã có ít nhất 6 lần tổ chức hòa giải và họp nhằm giải quyết vấn đề nhưng không có kết quả, chưa tìm được tiếng nói chung.

Chưa kể nhiều lần hàng chục hộ dân cùng tìm đến UBND xã Dương Quang để yêu cầu UBND xã giải quyết vụ việc khiến tình hình ANTT tại địa phương bị ảnh hưởng. Mới đây, ông Phạm Qúy Đề đại diện đứng tên cùng hàng chục hộ dân ký tên tố cáo gửi đến chủ tịch UBND huyện Gia Lâm yêu cầu huyện Gia Lâm vào cuộc giải quyết việc hộ ông Dân trả lại đất, trả lại hành lang đường đi cho người dân.

Thiết nghĩ để tạo lòng tin trong nhân dân, UBND xã Dương Quang và UBND huyện Gia Lâm cần giải quyết dứt điểm vụ việc để người dân đi lại thuận tiện.

Truyền hình báo Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thôngtin vụ việc ở bản tin sau.

 

Vũ Dũng
Bạn đang đọc bài viết " "Đại gia" "bóp cổ" đường làng ở Gia Lâm, Hà Nội: Vừa sai, vừa... tham" tại chuyên mục Pháp luật. Hotline: 088 888 2323 - 0986 836 036

Quý đơn vị có nhu cầu quảng cáo vui lòng liên hệ hotline 0986.836.036