(Bài 2) “Những giọt nước mắt không rơi”: Sai, đừng ngại sửa!

26/07/2019 19:04

Theo dõi trên

Sau khi báo chí phản ánh, một số cán bộ đã đến thăm hỏi các gia đình chính sách và có lời xin lỗi. Điều này phần nào cũng là sự an ủi với các gia đình.

 

Quá trình thâm nhập thực tế ở xã Long Hưng, huyện văn Giang, tỉnh Hưng Yên tìm hiểu công tác chăm lo người có công, PV Truyền hình Người Đưa Tin đã gặp gỡ nhiều nhân vật, nhiều mảnh đời đầy éo le, nhiều khó khăn. Đa số đều là các cụ cao niên, có cụ hơn trăm tuổi và vẫn mòn mỏi đợi những người con, người cháu hiện đang là lãnh đạo xã, lãnh đạo huyện giải quyết chế độ cho mình.

Ngày thương binh liệt sĩ 27/7 sắp đến, tất cả các cơ quan, đoàn thể đều chuẩn bị các hoạt động tri ân người có công, gia đình chính sách. Xã long Hưng, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên cũng đang tích cực chuẩn bị các hoạt động như vậy. Nhưng thiết nghĩ, ở xã Long Hưng, hành động tri ân thiết thực nhất bây giờ là phải nhanh chóng giải quyết quyền lợi chính đáng cho các đối tượng chính sách. Bởi họ không cần những hoạt động mang tính hình thức mà cần những hành động thiết thực.

Cụ Đào Văn Sức ở thôn Lại Ốc, thương binh thời kỳ chống Pháp cho biết, từ năm 2005 đến nay, cụ mới nhận chế độ điều dưỡng được 2 lần.

Cụ Cao Quang Vân (91 tuổi), thương binh thời kỳ chống Pháp bức xúc chia sẻ: "Tôi chỉ nhận được tiền từ năm 1980, từ đó đến nay tôi chẳng thấy gì cả. Ngày 20/06 vừa rồi ông đi viện về thì cán bộ thôn vào xin chữ ký xác nhận tôi đã nhận đủ tiền điều dưỡng, tuy nhiên tôi không ký vì tôi mới nhận được có 2 triệu còn trước đó tôi không hề nhận được."

Cụ Đào Thị Hát (87 tuổi), ở thôn Lại Ốc, là thương binh đã từng tham gia lực lượng du kích Hoàng Ngân. Khi phóng viên đến, cụ lên cơn đau bởi vết thương ở xương hông từ thời kháng chiến chống Pháp hành hạ, đi lại rất khổ sở. Hoàn cảnh của cụ hiện nay rất khó khăn. Cụ Hát đã gần 90 tuổi, chỉ sống nhờ vào đồng lương thương binh eo hẹp nhưng vẫn phải nuôi người con trai 60 tuổi mang chứng bệnh tê liệt, co quắp tay chân.

text bai 2 hy

UBND xã Long Hưng cần quan tâm giải quyết quyền lợi cho các gia đình chính sách

Chồng của cụ Hát là cụ Đào Văn Bi, cũng là bộ đội chiến đấu ở chiến trường Điện Biên Phủ. Cụ Bi đã qua đời năm 2014. Mặc dù cả hai vợ chồng cụ Hát đều là những người có công đóng góp vào hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc nhưng cho đến nay gia đình cụ cũng chưa được hỗ trợ sửa chữa nhà, chính sách điều dưỡng cũng chưa được nhận đầy đủ.

Cụ Nguyễn Văn Nhã là thương binh ở thôn Như Lân, xã Long Hưng cho biết, thương bệnh binh ở trong xã có nhiều, nhưng vì các cụ cao tuổi, nên cũng không biết thông tin, do đó cán bộ mà "ỉm" thông tin là các cụ không nắm được chế độ mình được hưởng.

Cụ Đào Thị Cống, mẹ của liệt sỹ Đỗ Văn Chính, năm nay đã 106 tuổi. Năm 2014, gia đình cụ gửi đơn xin hỗ trợ kinh phí làm nhà mới theo quy định của nhà nước nhưng đến năm 2016, UBND xã mới đưa vào kế hoạch xin kinh phí hỗ trợ. Gia đình đã làm hồ sơ đầy đủ theo hướng dẫn của cán bộ xã phụ trách mảng LĐTBXH khi ấy là bà Nguyễn Thị Hân. 

Bà Đỗ Thị Chu, con dâu cụ Cống cho biết: "Mặc dù hồ sơ đã làm từ năm 2016, nhưng không hiểu sao gia đình vẫn chưa được nhận, một số gia đình làm hồ sơ sau thì lại được nhận hỗ trợ trước. Tôi lên UBND xã hỏi, thì bà Hân trả lời là hồ sơ của nhà tôi đang đợi huyện xét, không biết họ xét kiểu gì mà tới nay đã gần bốn năm rồi chưa xét xong. Năm nay cụ nhà tôi đã 106 tuổi rồi mà vẫn mòn mỏi ngóng đợi chính sách".

hung yen 12

Gia đình bà Chu vẫn đang đợi được giải quyết quyền lợi.

 

Trường hợp của cụ Nguyễn Thị Ứng ở thôn Như Lân cũng không khá hơn. Cụ Ứng là vợ liệt sỹ Cao Ngọc Lân, hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Năm 2017, khi gia đình gặp biến cố mất cả nhà ở nên cụ làm đơn xin hỗ trợ kinh phí xây nhà diện chính sách. Thời điểm đó ông Phạm Văn Minh là chủ tịch UBND xã Long Hưng và ông trưởng thôn Nguyễn Minh Sơn đã ký xác nhận đơn xin hỗ trợ cho cụ Ứng. 

Cụ Ứng cho biết: "Khi làm đơn thì chị Hân rất nhiệt tình, chị ấy nói trường hợp của bà cháu không giúp thì còn giúp ai nhưng tôi làm nhà xong thì chị Hân bảo không giúp được. Dịp 27/7 năm 2018, tôi lên UBND xã xin lại đơn, vì tôi không được hỗ trợ thì trả lại đơn cho tôi, thế nhưng chị Hân trả lời là phải đợi xã họp xong mới trả đơn cho cụ được nhưng từ đấy đến nay cũng không thấy chị ấy trả lại đơn".

ghep 5

Cụ Đào Thị Cống đã 106 tuổi vẫn mỏi mòn chờ đợi tiền điều dưỡng.

Những câu chuyện trên cán bộ địa phương đều nắm rõ nhưng nhiều năm qua các gia đình chính sách, người có công vẫn chưa được giải quyết quyền lợi. PV tìm nhiều cách liên hệ với huyện, xã để tìm hiểu hướng xử lý của các cơ quan chức năng nhưng nơi thì “đá bóng trách nhiệm”, nơi thì tìm cách né tránh.

Xã Long Hưng, huyện Văn Giang những ngày này rộn ràng cờ hoa, chuẩn bị nhiều hoạt động nhằm kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ 27/7. Nhưng sẽ chỉ là hình thức nếu không giải quyết quyền lợi chính đáng cho các gia đình chính sách nêu trên.

Cán bộ sai, có thiếu sót trong công tác chăm lo chính sách người có công, gia đình chính sách là điều đáng trách. Nhưng biết sai, biết thiếu sót mà không sửa chữa khuyết điểm, không khắc phục sai lầm, mà “đi đêm” nhằm tạo dựng chứng cứ giả, dấu diếm sai phạm của mình là phạm pháp, có thể khởi tố hình sự.

Cao Thạch Thảo
Bạn đang đọc bài viết "(Bài 2) “Những giọt nước mắt không rơi”: Sai, đừng ngại sửa!" tại chuyên mục Pháp luật. Hotline: 088 888 2323 - 0986 836 036

Quý đơn vị có nhu cầu quảng cáo vui lòng liên hệ hotline 0986.836.036