TS. Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam; TS. Trần Công Phàn, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam dự và chủ trì Hội thảo. Tham dự hội thảo còn có Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Lê Thị Kim Thanh, các ban đơn vị trực thuộc Trung ương Hội và đại diện Hội Luật gia các tỉnh, thành phố.
Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là chủ trương đề cập tại Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về công tác cải cách tư pháp. Trong đó có nêu chủ trương thực hiện xã hội hóa một số hoạt động của Nhà nước nói chung. Sau khi có chủ trương đó, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp đã giao cho Hội Luật gia Việt Nam xây dựng đề án về “xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho nhân dân”.
“Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và thực hiện 2 giai đoạn, giai đoạn đầu thực hiện từ năm 2013 – 2016; giai đoạn 2 từ năm 2017 đến nay. Tại Hội thảo hôm nay, chúng ta sẽ nghe và cho ý kiến định hướng xây dựng đề án mới”, Chủ tịch Hội Luật gia cho hay.
Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền nhắc lại, Hội Luật gia Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp tập hợp giới luật gia am hiểu về công tác pháp luật, hoạt động đông đảo trong các cơ quan tư pháp, cơ quan xây dựng pháp luật…
Trong thời gian qua, với tiềm năng to lớn Hội đã triển khai được 2 giai đoạn đề án “xã hội hóa công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý” và thu được nhiều kết quả, xây dựng được nhiều mô hình tổ chức hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật của Hội Luật gia ở cơ sở, ở các trung tâm, tổ pháp luật cộng đồng đã được triển khai ở nhiều địa phương. Điều này, góp phần đưa pháp luật đến gần với người dân.
Chủ tịch Hội Luật gia nhấn mạnh, qua công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Hội đã góp phần đưa pháp luật vào đời sống. Càng ngày, các cấp hội làm có bài bản hơn, có hiệu quả hơn. Đây là kết quả rất đáng mừng.
Từ đó, Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền mong muốn tại Hội thảo các chuyên gia, đơn vị, Hội luật gia các địa phương thảo luận, cho ý kiến nhằm góp phần kế thừa, phát huy những kết quả đã đạt được, xây dựng các mô hình thực hiện phổ biến giáo dục pháp luật tại các cấp có hiệu quả hơn, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Vì vậy, Hội Luật gia Việt Nam đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, xem xét và giao cho Hội phối hợp với cơ quan liên quan xây dựng Đề án “Phát huy vai trò của Hội Luật gia các cấp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2022 – 2027”.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo, Hội Luật gia Việt Nam đã xây dựng sơ bộ đề án, xin ý kiến Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính để xác định rõ hơn mục đích, yêu cầu, mục tiêu, đối tượng của đề án bảo đảm tính khả thi, tránh trùng lặp, lãng phí. Đồng thời, phát huy được vai trò của Hội Luật gia các cấp trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Huệ - Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội, Trưởng Ban nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật, Hội Luật gia Việt Nam trình bày những vấn đề định hướng xây dựng đề án “Phát huy vai trò của Hội Luật gia các cấp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2022 – 2027”.
Về mục tiêu chung của đề án là phát huy vai trò của Luật gia và Hội Luật gia các cấp trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, cung cấp kịp thời, có chất lượng về phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu về quyền được thông tin và cung cấp dịch vụ pháp lý của nhân dân;
Khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập, hạn chế đang ảnh hưởng đến hiệu quả tham gia của Hội Luật gia vào công tác phổ biến giáo dục pháp luật;
Tăng cường xã hội hóa công tác phổ biến giáo dục pháp luật trên cơ sở phát huy vai trò của luật gia và Hội Luật gia các cấp, cũng như vận động, thu hút các luật sư, các tổ chức, cá nhân khác góp phần tăng cường hiệu quả thực thi công vụ và ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của nhân dân, thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng, Nhà nước.
Về phạm vi, đề án được thực hiện trong phạm vi cả nước, dự kiến từ năm 2022 đến năm 2027.
Đối tượng của đề án là người dân, trong đó tập trung ưu tiên cho các nhóm đặc thù, yếu thế trong xã hội; các cấp Hội Luật gia, hội viên Hội Luật gia Việt Nam; bên cạnh đó vận động, thu hút các luật sư, các tổ chức hành nghề luật sư cùng tham gia;
Định hướng đề án “Phát huy vai trò của Hội Luật gia các cấp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2022 – 2027” cũng nêu ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Tại Hội thảo, các ban đơn vị trực thuộc Trung ương Hội và đại diện Hội Luật gia các tỉnh, thành phố đã đóng góp ý kiến, đa số các đại biểu đều cho rằng công tác phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, Nhà nước giữ vai trò nòng cốt, HLG các cấp ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, đặc biệt trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.
Về tên gọi của đề án, Luật gia Nguyễn Cảnh Phương, Hội Luật gia tỉnh Điện Biên nhất trí giữ nguyên như dự thảo. Bởi, như vậy làm rõ vai trò của Hội Luật gia các cấp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Đồng thời, Luật gia Nguyễn Cảnh Phương cũng nhất trí với mục tiêu, phạm vi, đối tượng của đề án.
Tham gia phát biểu tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã đóng góp ý kiến làm rõ tên gọi, phạm vi, mục tiêu và đối tượng của Đề án.
Phát biểu kết luận Hội thảo, TS. Trần Công Phàn, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam cho biết, qua 12 ý kiến phát biểu, tham luận; các ý kiến đều đóng góp thực tiễn vào dự thảo, Hội Luật gia Việt Nam sẽ nghiên cứu để tiếp thu những ý kiến đó để sớm trình Thủ tướng xem xét, quyết định.