Độc đáo lễ hội xuống đồng khi mặt trời bắt đầu mọc ở Tuyên Quang

06/02/2025 12:48

Theo dõi trên

Lồng Tông là lễ hội xuống đồng quan trọng nhất của đồng bào người Tày, Nùng ở Việt Nam với nhiều nghi thức rất độc đáo, trang trọng thường được tổ chức từ ngày mùng 4 đến ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm. Theo giờ tốt, đoàn làm lễ phải rước mâm tồng đi làm lễ khi mặt trời bắt đầu mọc thì một năm mới sẽ gặp nhiều may mắn, mùa màng bội thu.

Năm nay, vào ngày mùng 4 và mùng 5 tháng 2, (tức ngày mùng 7 và mùng 8 tháng Giêng năm Ất Tỵ), tại sân vận động trung tâm huyện, UBND huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang đã long trọng tổ chức Lễ hội Lồng Tông (lễ hội xuống đồng) năm 2025. Lễ hội được chia làm 2 phần: Phần lễ và phần hội.
z6291270227699-6b4571e32b041f423d71be5ca705a8d1-1738773432.jpg
Đền Bách Thần, một ngôi đền có lịch sử từ trước năm 1945, có vị trí nằm lưng chừng núi hướng ra dòng sông Gâm, là nơi thực hiện nghi lễ lúc tờ mờ sáng

Phần lễ, được tổ chức một phần tại ngôi đền Bách Thần, một ngôi đền có lịch sử từ trước năm 1945, có vị trí nằm lưng chừng núi hướng ra dòng sông Gâm. Vì khi mặt trời bắt đầu lên cũng là lúc đoàn rước mâm tồng phải xuất phát đến sân vận động huyện để làm lễ nên từ tờ mờ sáng, Thầy mo, Chủ tế và đội nghi lễ đã có mặt tại đền Bách Thần để làm lễ.

Lễ ở đây là các mâm tồng được chuẩn bị bởi 24 xã, thị trấn trên địa bàn huyện, gồm một kệ tồng 3 tầng và 9 mâm chứa đồ lễ để cúng thánh thần, Thần Nông, Thổ Địa cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà yên lành, hạnh phúc, người người khoẻ mạnh…
z6291270234761-0caacbb094959bf68178c0633de1e17b-1738773432.jpg
Lễ ở đây là các mâm tồng được chuẩn bị bởi 24 xã, thị trấn trên địa bàn huyện, gồm 9 mâm chứa gà luộc, trứng luộc nhuộm màu, thịt lợn, cá, xôi ngũ sắc, các loại bánh, các loại hạt giống...

Sau khi làm lễ tại đền xong, các thanh niên trai tráng, mỗi người cầm một cành lá cây vừa đi vừa vung vẩy với quan niệm của đồng bào là để xua đuổi tà khí, rủi ro. Sau đó, đoàn nghi lễ sẽ rước 9 mâm tồng gồm các lễ vật như gà luộc, trứng luộc nhuộm màu, thịt lợn, cá, xôi ngũ sắc, các loại bánh, các loại hạt giống như lúa, ngô, lạc, đỗ tương,... về chân cột cây còn tại chính giữa sân vận động.

Tại đây, thầy mo và Chủ tế cùng toàn thể đại biểu, đoàn rước sẽ thực hiện nghi lễ cúng tế tại chân cột cây còn và chứng kiến nghi lễ tịch điền (lễ cày ruộng) với mong muốn đường cày may mắn, đầu năm dân khang, vật thịnh, mùa màng bội thu.

z6291270545907-f0c31ca9f6087d7e895fd423e8cb634f-1738773431.jpg
z6291270178529-c35b5267ef5218a93041305f5e943c7a-1738773428.jpg
Sau khi lễ được rước về sân vận động, Thầy mo và Chủ tế thực hiện nghi lễ cúng tế tại chân cột cây còn

Tiếp đó, du khách sẽ được xem màn hát múa và diễn xướng của gần 300 em học sinh trường THPT Chiêm Hoá và các thành viên các câu lạc bộ văn hóa dân gian huyện biểu diễn. Sau đó là lời chúc phúc đầu xuân, đánh trống khai hội của lãnh đạo UBND huyện.

Mở đầu phần hội, lãnh đạo địa phương và các đại biểu sẽ tiến hành phát lộc đầu năm cho du khách thập phương, đây là chính là các vật phẩm đã được làm lễ tại tại đền Bách Thần.

z6291270169834-a7d4af11407a81c296eb19d4433825ce-1738773431.jpg
Lãnh đạo huyện Chiêm Hóa phát biểu chúc phúc đầu xuân và đánh trống khai hội
z6291270531974-30000dcad5622e840f02496eb3dc01b1-1738773431.jpg
Đồng thời phát lộc đầu năm cho du khách thập phương, đây là chính là các vật phẩm đã được làm lễ tại đền Bách Thần

Một trong những hoạt động đầu tiên có ý nghĩa đặc trưng nhất, đông vui nhất là hội tung còn. Đây là trò chơi nhưng cũng là một nghi thức không bao giờ thiếu trong lễ hội Lồng Tông. Trên cây còn treo 3 vòng nhật nguyệt, tượng trưng cho Thiên - Địa – Nhân (trời, đất và con người).

Theo quan niệm của đồng bào, còn phải được ném thủng và nếu thủng trước giờ chính Ngọ thì năm đó mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Chính vì thế ngay sau khi khai hội, hàng ngàn quả còn đã được ban tổ chức phát cho người dân với không khí rất vui tươi và náo nhiệt.

z6291270594135-0ee87c738ceeb0904e8410ad29941390-1738773431.jpg
Hàng ngàn du khách thập phương đến vui chơi ngày lễ hội xuống đồng

Sau khi các cây còn được ném thủng, các hoạt động vui chơi khác cũng đồng loạt được diễn ra như: Thi kéo co, đi thăng bằng, leo cột, chọi gà, bịt mắt đập niêu, đi xe đạp chậm … Các hoạt động này đã thu hút đông đảo đồng bào các dân tộc tham gia và cổ vũ.

z6291270650995-e272a7bd4e1300ab4609b60b2b39c77c-1738773431.jpg
Tại lễ hội còn có nhiều trò chơi như: Thi kéo co, đẩy gậy, đi thăng bằng, leo cột, chọi gà, bịt mắt đập niêu, đi xe đạp chậm …

Có thể thấy lễ hội Lồng Tông của người dân tộc Tày, Nùng không chỉ là một lễ hội dân gian giàu bản sắc văn hóa dân tộc ở Tuyên Quang nói riêng, mà từ bao đời nay, lễ hội Lồng Tông còn là một món ăn tinh thần đầy ý nghĩa không thể thiếu trong ngày xuân và đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

Lễ hội không chỉ là các hoạt động phong phú, sinh động mang đậm bản sắc văn hoá các dân tộc mà còn mang ý nghĩa bắt đầu một năm sản xuất mới, với mùa màng bội thu, nhà nhà bình an, ấm no và hạnh phúc.

Vương Quốc Long
Bạn đang đọc bài viết "Độc đáo lễ hội xuống đồng khi mặt trời bắt đầu mọc ở Tuyên Quang" tại chuyên mục Đời sống. Hotline: 088 888 2323 - 0986 836 036

Quý đơn vị có nhu cầu quảng cáo vui lòng liên hệ hotline 0986.836.036