Theo tìm hiểu, dự án tu bổ, tôn tạo đình Phúc Mậu được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt và đầu tư từ năm 20015 với nguồn kinh phí từ ngân sách thành phố gần 11 tỷ đồng. Trong đó chia làm hai giai đoạn:
Giai đoạn một thực hiện từ năm 2016 với hạng mục tu bổ, tôn tạo nhà chính điện ngôi đình.
Đến năm 2019 thực hiện giai đoạn hai của dự án tiếp tục được đầu tư kinh phí thực hiện tu bổ, tôn tạo các hạng mục như nhà bia, sân vườn, cổng đình và toàn bộ khuôn viên đình.
Đơn vị trúng thầu thi công là: Liên danh Công ty Cổ phần Xây dựng và Tu bổ di tích Hà Tây và Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Thương mại Lê Huy.
Đơn vị tư vấn giám sát là: Công ty TNHH MTV tư vấn và đầu tư xây dựng Việt Hằng.
Đơn vị tư vấn quản lý dự án là: Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Xây dựng Bắc Việt.
Quá trình thi công giai đoạn hai, người dân địa phương đã bức xúc chỉ ra nhiều bất cập và đã yêu cầu đình chỉ thi công, một số hạng mục thì người dân yêu cầu đơn vị thi công phải điều chỉnh lại.
Người dân địa phương phản ánh bức xúc và chỉ ra nhiều bất cập trong việc thi công tu bổ, tôn tạo dự án. |
Cụ thể, theo ông Lê Đình Tuấn cho biết: "hiện nay người dân chúng tôi rất bức xúc, nguồn vốn nhà nước đầu tư tu bổ, tôn tạo cho đình như thế nào chúng tôi không hề biết, người dân có phản ứng thì lãnh đạo cơ sở trả lời là họ làm theo thiết kế và bản vẽ. Khi phát hiện thấy thợ dựng tường đá lên thành giếng không đảm bảo chất lượng đã yêu cầu đình chỉ thi công, sau đó họ đã làm thêm phần bê tông ở chân đế rồi dựng tường đá lên".
Bà Nguyễn Thị Hiền, đại diện giám sát cộng đồng cho biết: "Dự án giai đoạn hai, người dân chúng tôi không được phổ biến cho biết cụ thể hồ sơ thiết kế các hạng mục tu bổ tôn tạo, mặc dù chúng tôi đã yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị thi công tổ chức một buổi thuyết trình về các hạng mục cụ thể để dân biết mà giám sát, nhưng họ không làm. Khi người dân bỏ tiền sửa lại cổng đình, mới phát hiện móng cột cổng chỉ xây bằng trụ gạch và lớp bê tông rất mỏng, như thế liệu có đảm bảo được lâu dài không".
Ông Lê Đình Huynh bức xúc: "Thành đá ở giếng đình lẽ ra phải xây móng mới từ dưới lên, nhưng họ lợi dụng móng cũ và làm thêm lớp bê tông mỏng rồi dựng thành đá lên".
Theo người dân địa phương, việc dựng tường đá lên thành giếng không đảm bảo chất lượng đã yêu cầu đình chỉ thi công. |
Anh Nguyễn Văn Minh cho biết thêm: "một dự án được nhà nước đầu tư số tiền lớn, nhưng ngay cả bảng thông tin về dự án và các đơn vị thi công, giám sát cũng không có, chỉ khi người dân bức xúc phản ánh thì họ mới mang tấm biển thông tin về để ở góc sân".
Phóng viên đã liên hệ với ông Lê Thoan, Chủ tịch UBND phường Đồng Mai để làm rõ vụ việc, nhưng ông Thoan viện lý do bận họp, sẽ liên hệ lại với phóng viên để làm việc sau. Sau đó phóng viên đã cố gắng liên hệ với ông Thoan rất nhiều lần, nhưng vị này có biểu hiện né tránh phóng viên, không nghe điện thoại, cũng không trả lời tin nhắn.
Liên hệ với bà Hương, Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng và Tu bổ di tích Hà Tây, là đơn vị thi công dự án, nhưng bà Hương không nghe máy, dù phóng viên đã cố gắng liên hệ nhiều lần.
Điều đáng nói là vào thời điểm phóng viên ghi hình ở công trường tu bổ, tôn tạo đình Phúc Mậu thì không có bóng dáng của cán bộ tư vấn quản lý dự án cũng như cán bộ tư vấn giám sát tại công trường.
Dự án tu bổ, tôn tạo đình Phúc Mậu giai đoạn 2, với nguồn kinh phí gần 5 tỷ đồng. |
Một dự án có vốn đầu tư lớn, nhưng việc thi công rất mập mờ, người dân địa phương là chủ sở hữu ngôi đình, nhưng khi thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo họ lại bị gạt ra ngoài, không nắm được thông tin thiết kế, không biết được số kinh phí đầu tư cho các hạng mục xây dựng cụ thể, khiến dân làng rất bức xúc. Đây là những câu hỏi đang chờ đợi UBND phường Đồng Mai, cơ quan làm chủ đầu tư dự án trả lời rõ cho người dân địa phương và dư luận được biết.
Truyền hình Báo Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc ở các bản tin sau.