Dự án Đầu tư tiếp nước, cải tạo khôi phục dòng sông Tích thuộc huyện Ba Vì được UBND TP. Hà Nội phê duyệt năm 2010, tổng mức đầu tư gần 7 ngàn tỷ đồng. Trải qua hơn 10 năm, dự án vẫn chưa hoàn thành, một trong những nguyên nhân là vướng mắc trong công tác xác minh nguồn gốc sử dụng đất và đền bù, giải phóng mặt bằng.
Hộ đình anh Nguyễn Khắc Mạnh ở thôn Kim Bí, xã Tiên Phong (Ba Vì),là một trường hợp có đất bị thu hồi để phục vụ dự án. Theo hồ sơ, gia đình anh Mạnh bị thu hồi 5.075,8m2 trong tổng số 6.201m2. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại cho đây là đất quỹ II do UBND xã quản lý, nên không đền bù về đất cho hộ anh Mạnh, mà chỉ hỗ trợ bồi thường về tài sản trên đất.
Gia đình anh Mạnh đồng tình với dự án mang lại lợi ích cho xã hội, ủng hộ chủ trương chính sách của Nhà nước, tuy nhiên không đồng ý việc xác định đất của gia đình sử dụng là loại đất quỹ II, do UBND xã quản lý.
Bà Trần Thị Hột, mẹ của anh Nguyễn Khắc Mạnh, kể: “Năm 1976 ông chồng tôi đi bộ đội về. Đất bây giờ chia cho dân làng hết rồi, không còn miếng nào nữa, bây giờ chỉ còn chỗ gò Đồng Trầu, mà rậm rạp, bỏ hoang không ai dùng. Lúc đó vợ chồng tôi đông con, nghèo khó nên quyết định khai hoang để mưu sống. Sau này con cái lớn rồi thì chỗ ấy vợ chồng tôi giao cho con út là cháu Mạnh làm ăn sinh sống”.
Ông Nguyễn Khắc Mạnh, cho biết: “Năm 1980, vì gia đình đông con, nên bố mẹ tôi đến đây khai hoang, sau đó dựng nhà sinh sống ổn định đến bây giờ. Quá trình sinh sống, chăn nuôi, trồng trọt từ xưa đến nay không thấy cán bộ địa phương ý kiến gì”.
Không chỉ chủ hộ gia đình sử dụng đất bức xúc, không đồng tình với việc xác định nguồn gốc đất là đất quỹ 2, mà các hộ giáp ranh với thửa đất cũng bày tỏ quan điểm.
Ông Phùng Thế Táo, hộ giáp ranh thửa đất gia đình ông Mạnh, cho biết: “Tóm lại ngày xưa lên đây là toàn khai hoang hết”.
Bà Phùng Thị Yên, hộ giáp ranh thửa đất gia đình ông Mạnh, chia sẻ: “Chúng tôi đói, đông con thì chúng tôi lên khai hoang kiếm củ khoai, củ sắn ăn, chứ chả có xã nào mà cấp cả”.
Ngoài chủ thửa đất và các hộ giáp ranh, nhiều cán bộ địa phương ở các thời kỳ trước cũng bác bỏ thông tin nguồn gốc đất nhà anh Mạnh là đất quỹ II.
Trương Văn Hải, nguyên Trưởng thôn Kim Bí, xã Tiên Phong (giai đoạn 2014-2017), cho biết: “Không thể gọi đây là đất quỹ 2 được mà là đất khai hoang. Còn đất quỹ 2 là đất phần của xã cho mượn, cho thuê… nằm trong sổ xanh, khi xã cần xã sẽ thu hồi và không được bồi thường. Người sử dụng đất quỹ 2 hàng năm phải đóng thuế”.
Ông Nguyễn Khắc Tới, nguyên Chủ nhiệm HTX xã Kim Bằng (giai đoạn 1970-1988), nay là thuộc Tiên Phong: “Tôi làm chủ nhiệm HTX từ 1970-1988, ngày xưa cả khu vực Đồng Trầu đấy là đất hoang hết, xã không quản lý và cũng không giao cho ai hết”.
Ông Nguyễn Khắc Diên, nguyên Chủ nhiệm HTX, nguyên Chủ tịch UBND xã Tiên Phong, nêu quan điểm: “Năm 1983, đất của nhà anh Mạnh ở gò Đồng Trầu trước đây là đất khai hoang, thời điểm đó xã không quản lý. Đất quỹ 2 là đất HTX không còn quản lý mà giao cho UBND xã quản lý để cho đấu thầu, giao khoán lấy quỹ. Ở khu vực dưới gò Đồng Trầu là không có đất quỹ 2”.
Ngày 22/5, trao đổi với Pv Người đưa tin TV, ông Đỗ Đình Trưởng - Chủ tịch UBND xã Tiên Phong cho biết: Hiện UBND xã đang thụ lý giải quyết đơn khiếu nại của gia đình ông Mạnh. Về nguồn gốc đất của gia đình ông Mạnh, hiện xã không có hồ sơ nào để xác định chính xác mà chỉ dựa trên một số tài liệu như: Bản đồ 299 (đo vẽ năm 1987), văn bản lưu tại Hạt Kiểm lâm huyện Ba Vì, biên bản xác minh cộng đồng dân cư.
Tuy nhiên, khi đối chiếu các tài liệu trên thì không thể hiện rõ diện tích đất của gia đình ông Mạnh là đất quỹ II. Và thực tế, từ sau Luật Đất đai 1993 ra đời đến nay đã có nhiều lần tiến hành thống kê, đo vẽ bản đồ, quy chủ về đất đai, rồi dồn điền, đổi thửa, thì mảnh đất nhà ông Mạnh cũng chưa một lần có tên.
Giải pháp tốt nhất để giải quyết thấu tình, đạt lý vụ việc là UBND xã Tiên Phong cũng như UBND huyện Ba Vì không nên tập trung vào việc cưỡng chế mà thay vào đó là chú trọng vào công tác dân vận, đối thoại với người dân, để tạo sự đồng thuận. Đặc biệt, chính quyền địa phương từ xã tới huyện cần xem xét, xác minh một cách khách quan, kỹ lưỡng về nguồn gốc đất người dân sử dụng, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân. nay
(Còn nữa)