Nhằm kết nối các tuyến đường trên địa bàn quận, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, đồng bộ, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến kỷ niệm 20 năm ngày thành lập quận, UBND quận Long Biên (TP Hà Nội) đã triển khai Dự án xây dựng đường hành lang chân đê, chỉnh trang mái đê, mở rộng mặt đường tuyến đê hữu Đuống (đoạn từ cầu Đuống đến cầu Phù Đổng, phường Đức Giang, phường Giang Biên, phường Phúc Lợi).
Dự án có tổng chiều dài hơn 5km, được khởi công từ năm 2020, đến nay cơ bản đã hoàn thành và đáp ứng được sự mong đợi của cử tri và nhân dân trên địa bàn phường Phúc Lợi, Giang Biên, Đức Giang.
Tuy nhiên, nhiều người cụm dân cư Tình Quang (phường Giang Biên, quận Long Biên) bày tỏ nguyện vọng được xem xét phương án giữ lại dốc đê chùa Phổ Quang, con dốc đã gắn liền với bao thế hệ con em địa phương.
Ông Lê Đình Yên, người dân cụm Tình Quang, cho biết: “Sự hình thành con dốc này đã có từ hàng trăm năm nay, bởi vì nó gắn liền với cuộc sống của cư dân khu vực Tình Quang chúng tôi. Vừa qua, việc thực hiện dự án chỉnh trang lại đường đê đã phát sinh ra vấn đề mà nhiều lần nhân dân chúng tôi đã kiến nghị. Đó là, việc chỉnh trang dốc đê thành xây bậc gạch thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân. Con dốc này đi thẳng xuống cánh đồng với diện tích gần 40 ha, khi thu hoạch nông sản về mà đi với con dốc bậc thang sẽ không phù hợp. Hơn nữa, đây là con dốc dẫn vào cổng chùa Phổ Quang, là di tích cấp quốc gia, ảnh hưởng đến việc nhân dân hành lễ tôn giáo tín ngưỡng và không thuận tiện cho hoạt động đưa con em đi học”.
Bà Nguyễn Thị Độ, người dân cụm Tình Quang, chia sẻ thêm: “Con dốc này đã có từ lâu rồi, bởi nó liên quan đến chùa Phổ Quang, ngôi chùa tâm tâm linh từ xưa đến nay của các cụ, đến khi chúng tôi lớn lên thì con đường này vẫn như vậy. Con dốc này nó giải quyết được rất nhiều việc, từ việc thuận tiện đi lại của người dân đến sản xuất nông nghiệp”.
“Tôi năm nay 97 tuổi rồi nên chuyện làng tôi nắm rất rõ, ở làng tôi trước nay sống ở bên bãi mà làm nông nghiệp ở bên đồng, trước kia làng tôi sang bên đồng làm nông nghiệp thì phải có 4 dốc, đến nay làm đường dần dần mất hết dốc còn duy 1 con dốc ở chùa cũng tính bỏ”, cụ Nguyễn Thị Cỏn, người dân cụm Tình Quang, nói.
Theo người dân cụm Tình Quang, việc thay dốc đê thành bậc thang lên xuống là hoàn toàn không phù hợp; không đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân; sẽ thiếu công bằng vì ở cụm giáp bên là cụm Quán Tình có tới 6 dốc lên xuống, với 3 cặp chữ V 500m chạy dài, còn khu vực Tình Quang một dốc thuận không có.
Bà Nguyễn Thị Hải, người dân cụm Tình Quang, cho biết: “Dân chúng tôi hàng mấy ngàn dân mà không có dốc lên, dốc xuống, giờ lại bảo làm dốc bậc lên, bậc xuống. Mời các đồng chí về xem lại dốc ở Kim Long đấy, làm bậc lên, bậc xuống xem chúng tôi có lên xuống được không hay ngã ngửa. Dốc ngược lên, xe đạp không dắt được, mà cái dốc ở cuối làng làm lên thì không có người đi”.
Để chứng minh việc thay dốc đê thành bậc thang sẽ không phù hợp, người dân đã mời PV đến một con dốc đã hoàn thành ở vị trí khác để kiểm chứng.
Được biết, sau khi người dân kiến nghị đến chính quyền các cấp, UBND quận Long Biên đã tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của nhân dân. Qua đó, quận đã triển khai bổ sung thêm một con dốc đi vào chùa Phổ Quang, giao với con dốc cũ. Tuy nhiên, con dốc đang không phát huy được công năng, khiến người dân không hài lòng và bày tỏ nguyện vọng vẫn muốn giữ dốc cũ, cộng 2 dốc thành hình chữ V.
Theo quan sát của PV, nếu giữ 2 dốc thành hình chữ V, sẽ giúp người dân tuân thủ Luật Giao thông một cách thuận lợi nhất. 2 con dốc sẽ hạn chế tối đa nguy cơ mất ATGT.
Ông Lê Đình Yên, người dân cụm Tình Quang, cho biết: “Sau khi có kiến nghị của nhân dân, đối với các cấp lãnh đạo từ phường đến quận rất quan tâm, tiếp thu ý kiến của nhân dân, bổ sung thêm một con dốc vào chùa Phổ Quang, tiếp nối với đường đê. Tuy nhiên, việc bổ sung này không phù hợp với hoạt động của nhân dân”.
Bà Nguyễn Thị Thắng, người dân cụm Tình Quang, cho biết thêm: “Chúng tôi rất cảm ơn quận phường, quận đã đổ cho chúng tôi cái dốc ở mé dưới. Nhưng nguyện vọng của dân làng chúng tôi vẫn muốn giữ nguyên hiện trạng dốc cũ, nếu như được mở rộng ra nữa thì chúng tôi rất biết ơn”.
“Nhân dân chúng tôi rất phấn khởi, đồng tình với chủ trương của Nhà nước để giảm thiểu mật độ giao thông. Tuy nhiên, quá trình triển khai thiếu dân chủ, bàn bạc, để lắng nghe ý kiến của người dân. Cho nên khi triển khai dự án dẫn đến làm một số con dốc không thuận lòng dân”, bà Nguyễn Thị Thọ chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Tuyết, bày tỏ nguyện vọng: “Dự án về đây, người dân chúng tôi rất phấn khởi, đường rộng rãi, thông thoáng. Rất mong các cấp lãnh đạo lắng nghe ý kiến của người dân, cái gì có lợi cho dân và có lợi cho dự án thì làm”.