1. Nguồn gốc hình thành
Theo các hồ sơ, tài liệu Truyền hình Người đưa tin thu thập được, chợ Thái Hà nằm tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội được xây dựng từ những năm 1992 - 1993 bằng nguồn vốn của Nhà nước cùng với sự đóng góp tiền của các tiểu thương. Chợ ra đời thời điểm đó nhằm mục đích gom hết những người bán hàng ngoài vỉa hè vào một nơi ổn định, đảm bảo văn minh đô thị và tình hình giao thông, an ninh trật tự. Ngoài ra, chợ ra đời cũng nhằm mục đích tạo nơi làm ăn sinh sống, tạo cơ chế mở cho những người Việt Nam vượt biên trái phép trở về quê hương. Đây là một chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước hồi bấy giờ.
Cổng chợ Thái Hà. |
2. Đánh tráo khái niệm
Sau khi hình thành, chợ do UBND Quận Đống Đa quản lý. Các tiểu thương buôn bán ổn định, ngoài ra còn có cả chi hội phụ nữ sinh hoạt tại chợ. Năm 2011, UBND quận tổ chức đấu thầu quản lý chợ và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng dân dụng Hà Nội là đơn vị trúng thầu. Ban quản lý (BQL) chợ hiện nay cũng trực thuộc công ty này. Từ khi Công ty trúng thầu thì giữa công ty và các tiểu thương đã có những mâu thuẫn âm ỉ kéo dài suốt nhiều năm trời. Gần đây nhất hai bên đã đến tình trạng “giọt nước tràn ly” khi phía Công ty có văn bản thông báo điều chỉnh giá dịch vụ chỗ ngồi bán hàng của BQL chợ.
Cụ thể, phía Công ty tăng giá dịch vụ lên gấp 2 lần so với giá cũ, vị trí ki ốt loại 1 lên tới 260.000 đồng/m2/tháng. Văn bản do ông Trịnh Đình Linh - Giám đốc Công ty ký. Trong văn bản có căn cứ một số quyết định của thành phố, của quận về giá thuê chỗ bán hàng ở các chợ, tuy nhiên các tiểu thương cho rằng phía Công ty đang “đánh bùn sang ao”, áp dụng sai các quy định pháp luật, không phù hợp với mô hình chợ Thái Hà. Quyết định tăng giá dịch vụ của Công ty cũng chưa cơ quan thẩm quyền chấp thuận, chưa có sự bàn bạc, chưa có sự đồng thuận với đa số tiểu thương chợ Thái Hà.
Tại biên bản cuộc họp ngày 22-6-2018 do Phòng Kinh tế quận Đống Đa chủ trì, bà Lưu Thị Thúy Vân, Trưởng phòng kinh tế kết luận, chợ Thái Hà được phân hạng chợ hạng 3 theo phê duyệt phân hạng chợ trên địa bàn TP Hà Nội, tương ứng với mức thu tối đa là 150.000 đồng/m2/tháng. Tuy nhiên, bà Vân viện dẫn một số quy định để cho rằng Cty có thể thu giá dịch vụ tối đa không quá 2 lần mức giá đối với chợ được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Quyết định tăng giá ngồi dịch vụ chợ Thái Hà của Công ty Cổ phần Xây dựng Dân dụng Hà Nội |
Tuy nhiên, phía các tiểu thương lại cho rằng phía Công ty và hai vị lãnh đạo trên đã cố tình đánh tráo khái niệm về chợ Thái Hà, gây thiệt thòi cho bà con tiểu thương.Cũng tại cuộc họp này, bà Phạm Thị Lệ Chi, Phó trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch quận Đống Đa cũng cho rằng chợ Thái Hà đã được chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp quản lý. Bản chất tại thời điểm hiện tại, chợ Thái Hà được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nên phía Cty phải chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động, tự chịu trách nhiệm xây dựng phương án và ban hành giá dịch vụ tại chợ.
Cụ thể, chợ Thái Hà được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, có sự đóng góp của bà con tiểu thương bằng hình thức trả trước tiền thuê chỗ. Công ty về sau trúng thầu là về mặt quản lý, khai thác chợ, chứ Công ty không phải đơn vị chi tiền ra đầu tư chợ. Những phiếu thu, hợp đồng của bà con tiểu thương từ những ngày đầu là những minh chính thể hiện rõ điều này. Thậm chí, chính văn bản của Công ty cũng khẳng định: Chợ Thái Hà được Nhà nước đầu tư, đi vào hoạt động từ năm 1992.
Do vậy, phía Công ty và hai vị lãnh đạo Phòng Kinh tế, Phòng Tài chính - Kế hoạch quận Đống Đa cho rằng đây là chợ do doanh nghiệp đầu tư và áp dụng mức thu phí gấp đôi hiện tại, khiến các tiểu thương vô cùng bức xúc.
3. Quản lý yếu kém
Bên cạnh đó, đã 7 năm từ ngày trúng thầu quản lý chợ, Công ty CP đầu tư xây dựng dân dụng Hà Nội cho đến nay vẫn chỉ là khai thác những gì mà Nhà nước và bà con tiểu thương chung tay xây dựng lên, chứ bản thân phía Cty chưa có sự đầu tư nhiều vào chợ. Công ty chỉ làm được duy nhất một trục đường điện chính kéo dọc chợ dài 200m, còn những vấn đề về vệ sinh, điện, nước, chỗ ngồi, mái che, đường đi lại thì các hộ kinh doanh đều phải bỏ tiền túi ra sửa chữa còn.
Nhà vệ sinh xuống cấp tồi tệ, không được cải tạo, trong khi phí vẫn phải nộp cho công ty. Thậm chí hàng tháng có phí vệ sinh, nhưng hàng ngày các tiểu thương đi vệ sinh ở đây thì vẫn phải trả tiền. Phía Công ty đã không thực hiện đủ những trách nhiệm đối với tiểu thương nơi đây khiến họ phải tự xoay sở, tự trang bị, tự sửa chữa, điều này đã tạo nên một làn sóng phản đối dữ dội từ phía bà con tiểu thương.
Bà con tiểu thương chợ Thái Hà vô cùng bức xúc với cách quản lý yếu kém của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Dân dụng. |
Các tiểu thương cho rằng Công ty Hà Nội không đủ năng lực để quản lý chợ và mong muốn cơ quan chức năng xem xét thu hồi quyết định công nhận doanh nghiệp quản lý chợ đối với công ty này.
Theo một tài liệu có ý kiến của ông Phạm Tiến Điệp, Phó GĐ Công ty CP đầu tư xây dựng dân dụng Hà Nội, thì từ 2001 đến nay, mỗi năm Công ty phải bù lỗ khoảng 300 triệu đồng, đó là còn chưa tính tiền thuê đất khoảng 1,3 tỷ đồng/1 năm mà Công ty đã nộp. Điều này thể hiện sự yếu kém của Công ty trong vấn đề kinh doanh.
Một tài liệu khác thể hiện, do Công ty không đảm bảo được công tác phòng chống cháy nổ tại chợ, nên đã bị Phòng cảnh sát PCCC số 2 ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động tại chợ. Điều này thể hiện sự yếu kém của Công ty trong vấn đề đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của bà con tiểu thương.
Thêm một tài liệu khác, thay vì nhanh chóng thực hiện các yêu cầu về đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy, thì Công ty lại thông báo các tiểu thương chợ Thái Hà tạm dừng kinh doanh tại chợ Thái Hà đúng vào dịp giáp Tết, đúng thời điểm buôn bán sầm uất nhất trong năm, dẫn đến sự phẫn nộ của các tiểu thương.
4. Mong muốn của người dân
Trước những mâu thuẫn khó hòa giải với Công ty quản lý chợ, bà con tiểu thương mong các cấp chính quyền từ phường Trung Liệt đến quận Đống Đã khẩn trương vào cuộc, giải quyết hợp lý hợp tình, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho bà con.