Tương truyền, lễ hội được bắt nguồn từ sự tích về nàng Han, một nữ tướng đã giả trai để cầm quân xông pha trận mạc, đánh dẹp kẻ thù xâm lăng lãnh thổ, bức hại dân bản Thái xưa kia.
Sau khi dẹp quân thù khỏi bờ cõi, nàng Han cho quân lính xuống sông tắm gội, gột sạch máu quân thù để ăn mừng chiến thắng. Nàng bỏ mũ, xõa tóc, cởi chiến bào. Lúc này ba quân mới biết vị tướng cầm quân tài giỏi của mình là một thiếu nữ. Sau đó, nàng hóa về trời, để lại niềm thương nhớ vô vàn cho dân chúng. Người Thái đã lập đền thờ ghi nhớ công trạng của vị nữ tướng xinh đẹp và gan dạ vì dân vì nước tại địa phận xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai.
Ngày nay, cứ đến dịp cuối năm, người Thái lại dâng lễ vật cúng tiến ở đền thờ nàng Han và tổ chức lễ gội đầu để tưởng nhớ công ơn người nữ tướng, cũng là để rũ bỏ những sự rủi ro trong năm cũ, đón một năm mới nhiều may mắn trong cuộc sống và trong lao động sản xuất.
Đoàn người diễu hành dâng lễ vật cúng tế và báo công với nàng Han. |
Khởi đầu cho lễ hội là buổi rước lễ vật vào báo ơn nàng Han, dân làng chọn ra đội hình rước lễ vào đền thờ, đoàn lễ đi đến đâu có trống chiêng rộn rã và cả những người hộ vệ mang binh khí để hộ tống đoàn. Họ thực hiện cúng tế lễ vật và báo công với nàng Han, trong năm qua dân bản đã chịu khó làm ăn để có được cuộc sống ấm no hạnh phúc. Đoàn dâng lễ vật cũng không quên biểu diễn các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống trước cửa đền để dâng lên người nữ tướng mà họ kính yêu của dân tộc mình. Dâng lễ xong, mỗi người phụ nữ chuẩn bị một cái chậu xin nước thiêng ở giếng cổ trên đền thờ để gội đầu.
Cả đoàn hành lễ đi về phía bến sông, nơi tương truyền năm xưa nàng Han đã cho quân lính của mình tắm gội sau khi đại thắng trước quân thù. Sau đó, thầy cúng ra đứng trước bến sông làm lễ kính báo với các vị thần núi, thần sông để cho phép chị em được hành lễ gội đầu. Sau khi làm lễ xong, chị em phụ nữ sắp thành hàng ngang để thả tóc xuống dòng nước trong sự cổ vũ nhiệt tình của dân bản.
Ngoài biểu tượng nghi lễ linh thiêng, việc gội đầu của người con gái thì còn được thể hiện như một vũ điệu biểu diễn nghệ thuật, rất nhịp nhàng, thống nhất theo nhịp điệu. Người Thái trắng quan niệm, bước sang năm mới gội đầu để xua đi những việc không may mắn của năm cũ, tống tiễn tai ương xua theo dòng nước, cầu một năm mới tốt đẹp, được bình an và hạnh phúc, cây cối tốt tươi, muôn hoa đua nở, mùa màng bội thu.
|
Nghi lễ gội đầu được coi như một điệu múa nhịp nhàng, đẹp mắt. |
Bà Điêu Thị Nhất, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Quỳnh Nhai cho biết: "Lễ hội gội đầu là một trong những nét văn hóa độc đáo của người Thái ở Quỳnh Nhai, nó thể hiện sự đoàn kết và tinh thần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc của cả cộng đồng người Thái. Hiện nay UBND huyện Quỳnh Nhai đang tiến hành lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia để trình Hội đồng di sản cấp nhà nước xét công nhận".
Lễ hội gội đầu ở Quỳnh Nhai ngày nay còn là một sản phẩm du lịch độc đáo để thu hút du khách về với Quỳnh Nhai, góp phần phát triển kinh tế địa phương rất hiệu quả.
Trong bối cảnh xã hội đang phát triển đầy hối hả, nhiều giá trị văn hóa truyền thống không tránh khỏi bị phai nhạt và mất đi, thì ở nơi đây, người dân vẫn trân trọng, tâm huyết gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, làm phong phú thêm kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam. Đó quả là điều đáng trân trọng và tự hào!
Dòng sông đừng trễ chuyến đò ngang
Ta kịp sang đông để đón nàng
Ngày về dự hội buông mái tóc
Giếng trời trong vắt bóng nàng Han.