Lời dạy của Bác về tết trồng cây và hành động buồn của thầy hiệu trưởng cùng ông chủ tịch xã ở Lạng Sơn

24/10/2020 15:45

Theo dõi trên

Thời gian qua, người dân ở xã Hồng Phong, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn, đã gửi đơn phản ánh việc Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Hồng Phong chặt hạ hơn 20 cây gỗ lim cổ thụ, có hàng trăm năm tuổi, bán ra thị trường một cách khuất tất, khiến dư luận địa phương rất bức xúc.

 

Theo tìm hiểu, vào tháng 8/2020, trong khi cả nước bước vào đợt phòng chống dịch Covid-19 rất nóng bỏng, thì tại trường PTDTBT THCS Hồng Phong, thuộc xã Hồng Phong, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn, đã lấy lý do xin chặt tỉa một số cây gỗ sâu trong khuôn viên nhà trường, nhưng sau đó, họ đã chặt hạ cả đồi gỗ lim trong khuôn viên nhà trường, với 24 cây có độ tuổi khoảng trên 100 năm.

Trong danh mục của ngành lâm nghiệp Việt Nam, thì gỗ lim xanh thuộc loại quý hiếm được xếp vào nhóm 2a.

Tờ trình xử lý chặt tỉ cây xanh trong khuôn viên nhà trường trước mùa mưa bão 2020
Tờ trình xử lý chặt tỉ cây xanh trong khuôn viên nhà trường trước mùa mưa bão 2020

Ông Chu Văn Thăng, Nguyên hiệu trưởng trường PTDTBT THCS Hồng Phong cho biết: "Người địa phương gọi khu cây lim này là đồi Đông Lim, vì đây là những cây lim được trồng từ hơn 100 năm, sau này xây dựng nhà trường ở đồi Đông Lim, thì khu rừng cây lim này năm trong khuôn viên nhà trường, đến khi nhà trường chặt bán cho một cty ở Bắc Giang, khiến người dân chúng tôi rất bất ngờ và bức xúc, ngày tôi làm hiệu trưởng, muốn chặt một cây để xây dựng trường cũng không được".

Bà Hà Thị Đẹp, sống gần Trường PTDTBT THCS Hồng Phong : "Họ mang đơn bảo tôi ký thì tôi ký thôi, nhưng ký đơn là đề nghị chặt tỉa cây nguy hiểm đến hộ dân, nhưng đến khi chặt thì họ chặt sạch cả đồi luôn, còn mấy cây thì họ gọi phụ huynh đến họp và xin ý kiến cho chặt nốt, nếu phụ huynh không đồng ý thì học sinh bị tai nạn họ không chịu trách nhiệm".

Người dân cho rằng, khu vực trồng cây lim, nằm ngay sườn đồi thoải về phía sông, ngoài vai trò giữ bóng mát cho khuôn viên nhà trường, thì khu rừng lim này còn đóng vai trò quan trọng trong việc chống sạt lở đất xuống sông, nay bị phá, dễ gây nguy cơ sạt lở đất trong mùa mưa lũ rất cao. Người chịu ảnh hưởng trực tiếp là các em học sinh và một số gia đình đang cư trú dưới chân đồi Đông Lim.

Hàng chục cây gỗ lim trong khuôn viên nhà trường đã bị chặt hạ
Hàng chục cây gỗ lim trong khuôn viên nhà trường đã bị chặt hạ

Ông Vũ Văn Thính, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Hồng Phong cho biết: "Thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy xã và Công văn chỉ đạo của Phòng giáo dục, nhà trường xin ý kiến chỉ đạo của UBND xã để chặt tỉa, chúng tôi làm đúng chỉ đạo của xã chứ không tự ý chặt cây".

Ông Vương Văn Son, Chủ tịch UBND xã Hồng Phong cho biết: "Khi có tờ trình của nhà  trường, UBND xã có thành lập hội đồng kiểm đếm cây để chặt tỉa, do ông Hà Văn Tập, Phó Chủ tịch UBND xã làm Chủ tịch Hội đồng, sau khi xem xét mức độ nguy hiểm thì thống nhất là chặt cả khu cây lim này để tránh nguy hiểm, còn việc làm hợp đồng mua bán gỗ thì UBND xã không nắm được". 

Như vậy, cả một khu rừng lim quý hiếm, được thế hệ cha ông người dân thôn Nà Háng trồng từ hàng trăm năm trước, gắn bó với bao biến thiên lịch sử, đi qua nhiều thế hệ cư dân địa phương, nhưng đến nay, chỉ bằng những văn bản được lập ra một cách đơn giản và chóng vánh, họ đã chặt hạ cả rừng lim một cách không thương tiếc.

Loại gỗ quý hiếm này, ngoài việc chống sạt lỡ còn là kỷ niệm của bao thế hệ học sinh nơi đây
Loại gỗ quý hiếm này, ngoài việc chống sạt lở còn là kỷ niệm của bao thế hệ học sinh nơi đây

Điều đáng nói, tất cả số gỗ lim được chặt hạ lên tới 31m3, được ông hiệu trưởng nhà trường làm hợp đồng bán cho ông Chu Văn Vui, ở Sơn Động, Bắc Giang, với giá 24.900.000 đồng, bình quân chưa đến 1 triệu đồng/m3. 

Trước sự phản ứng gay gắt của người dân, vị hiệu trưởng nhà trường đã hủy hợp đồng mua bán và thu lại số gỗ đã bán.

Tuy nhiên, việc thành lập Hội đồng xem xét kiểm đếm chặt cây lim có dấu hiệu "mất bò mới lo làm chuồng", tức là sau khi chặt hạ, bị dân phản đối nên mới thành lập hội đồng để "chữa cháy" bằng cách "chèn" quyết định số 66a. 

Bầ Nguyễn Thị Thơm, một người dân ở xã Hồng Phong bức xúc: "Xưa nay ở trong xã, họp gì cũng gọi chúng tôi lên, kể cả đóng 30 nghìn cũng gọi dân lên họp, thống nhất rõ ràng. Tại sao, chặt hạ đồi lim như thế lại không báo cho chúng tôi biết".

Ông Vũ Văn Thính, Hiệu trưởng nhà trường thừa nhận: "Việc bán gỗ là sai, vì đây là tài sản công, khi bán phải tổ chức đấu thầu theo quy định, khi phát hiện việc mua bán không đúng, tôi đã hủy hợp đồng và thu hồi gỗ về nhà trường, đợi xin ý kiến UBND huyện để xử lý bán theo quy định".

Ông Vũ Văn Thính, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Hồng Phong thừa nhận việc chặt bán gỗ lim là sai

Hàng năm, học sinh trên cả nước luôn được giáo dục hướng về tết trồng cây theo tiếng gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, như một truyền thống tốt đẹp. 

Nay, UBND xã và Trường PTDTBT THCS Hồng Phong chặt hạ hàng chục cây gỗ lim quý hiếm, khiến nhân dân bức xúc, là điều rất đáng tiếc. 

Truyền hình Người đưa tin pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Cao Thạch Thảo

Quý đơn vị có nhu cầu quảng cáo vui lòng liên hệ hotline 0986.836.036