Buông lỏng quản lý
Cách đây khoảng 2-3 năm, nhiều bến xe ở Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền và tăng cường trang thiết bị, nhân lực, đầu tư cho công tác bán, kiểm soát vé từ đầu vào. Tức là sẽ tạo thói quen cho hành khách mua vé tại quầy, sau đó nhân viên bến xe mới để qua cửa đi vào khu vực xe chờ. Biện pháp này nhằm đảm bảo quyền lợi khách hàng, đảm bảo trật tự bến xe, và cũng rất hiệu quả trong phòng chống tiêu cực, tham nhũng vặt đối với nhân viên bến xe. Lợi ích khác là dẹp bỏ được tình trạng tập trung bừa bãi, lôi kéo hành khách từ các “cò” hoặc người của các nhà xe.
Thế nhưng gần đây, nhiều bến xe đã buông lỏng quản lý, chỉ lo làm hình ảnh một cách rất màu mè và hình thức khi có đợt cao điểm hoặc có chỉ đạo từ các cơ quan quản lý. Còn lại, những ngày khác thì “tháo khoán”, không có nhân viên bến xe kiểm soát cửa ra vào, hành khách tự do đi lại, mua vé tại quầy hoặc mua vé qua “cò”, thậm chí không cần mua vé.
“Cò” hoặc người của nhà xe tuỳ tiện “săn” khách từ cổng bến xe vào tận bên trong, tạo sự lộn xộn, nhếch nhác, tiềm ẩn nguy cơ lợi dụng va chạm, chèo kéo để trộm cắp hoặc sàm sỡ, quấy rối tình dục với phụ nữ.
|
“Cò” hoặc người của nhà xe tuỳ tiện “săn” khách từ cổng bến xe vào tận bên trong, tạo sự lộn xộn, nhếch nhác, tiềm ẩn nguy cơ lợi dụng va chạm, chèo kéo để trộm cắp hoặc sàm sỡ, quấy rối tình dục với phụ nữ. |
Nguy cơ khác, hành khách lên xe chủ quan không mua vé hoặc không đòi hỏi vé, khi xảy ra TNGT thì sẽ chịu thiệt thòi, có thể bị nhà xe chối bỏ trách nhiệm đền bù, bảo hiểm.
Nhiều ngày ăn ở, thâm nhập thực tế ở bến xe Giáp Bát, phóng viên thấy đa số hành khách đi thẳng ra bến, nơi có những chiếc ô tô đậu sẵn. Bám theo mỗi khách là đội ngũ đông đảo “cò” và người của nhà xe. Nhiều hành khách không giấu nổi sự khó chịu trên gương mặt.
(Bến xe Mỹ Đình) Khách có thể đi thẳng ra bến mà không cần thông qua nhân viên kiểm soát vé. |
Tại vị trí mà lẽ ra là của nhân viên kiểm soát vé lại là nơi tụ tập để “săn” khách của các nhà xe. Cạnh ngay đó là tấm biển ghi dòng chữ : “Cấm lái, phụ xe tụ tập ở khu vực này”. Tình trạng này diễn ra mỗi ngày, cán bộ, nhân viên quản lý bến xe nắm rất rõ, nhưng không xử lý triệt để.
(Bến xe Giáp Bát) Tại vị trí mà lẽ ra là của nhân viên kiểm soát vé lại là nơi tụ tập để “săn” khách của các nhà xe. |
Buôn bán lộn xộn
Theo ghi nhận của phóng viên tại các Bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình, Yên Nghĩa,... ngoài việc hành khách bị chèo kéo còn xảy ra tình trạng các hàng rong được bố trí chưa hợp lý khắp các lối đi, dẫn đến việc ùn ứ và gây phiền toái, ảnh hưởng đến độ an toàn cho hành khách.
Nhiều hành khách bị chèo kéo bằng mọi cách khiến họ không chịu nổi đành phải mua hàng để được yên thân.
Các vị trí, điểm đỗ của các nhà xe cũng bị chiếm làm nơi kinh doanh buôn bán hàng rong của nhiều người làm mất mỹ quan, an ninh trật tự khu vực bến xe, khiến cho mỗi lần xe vào bến khó khăn, gây cản trở, ùn ứ vào những giờ cao điểm.
Các vị trí, điểm đỗ của các nhà xe cũng bị chiếm làm nơi kinh doanh buôn bán hàng rong của nhiều người. |
Thậm chí đã có những gánh hàng rong ngang nhiên đốt hàng mã ở bãi bến xe với thời tiết gần 40⁰c, nơi gần những chiếc xe đang nổ máy mà không hề có sự can thiệp của một lực lượng quản lý nào, tạo nguy cơ cháy nổ cao.
Để xảy ra tình trạng trên, ban quản lý của các bến xe cần phải nâng cao trách nhiệm của mình trong việc tổ chức, bố trí chỗ bán hàng một cách hợp lý, để tránh tình trạng gây phiền toái, vừa đảm bảo độ an toàn cao cho mỗi hành khách.
Nhiều ngày có mặt tại các bến xe, nhóm phóng viên còn ghi nhận được ngoài tình trạng buông lỏng quản lý của cán bộ, nhân viên quản lý bến xe trong việc đảm bảo trật tự, an toàn cho hành khách còn xảy ra tình trạng thu phế trái quy định của một số bến xe. Chúng tôi sẽ thông tin đến quý vị trong phóng sự sau. Mời quý vị và các bạn chú ý đón xem.