Mạo danh, sử dụng hình ảnh bác sĩ để quảng cáo TPCN sai sự thật có thể xử lý hình sự

11/03/2024 16:34

Theo dõi trên

Mặc dù Bộ Y tế đã nhiều lần phát đi cảnh báo về hành vi mạo danh, sử dụng hình ảnh bác sĩ, để quảng cáo thực phẩm chức năng khiến người tiêu dùng lầm tưởng đây là thuốc chữa bệnh. Thế nhưng vì lợi nhuận, nhiều đối tượng vẫn bất chấp để vi phạm.

Ngày 23/5/2023, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã phát đi cảnh báo về việc mạo danh các bác sĩ, quảng cáo thực phẩm chức năng là thuốc chữa bệnh để bán sản phẩm.

Cụ thể, hiện nay trên mạng xã hội xuất hiện một số clip có hình ảnh nhân vật tự xưng là nhân viên y tế tại các bệnh viện lớn, lương y, tư vấn, quảng cáo thực phẩm chức năng là thuốc chữa bệnh để bán sản phẩm.

Theo quy định của Luật An toàn thực phẩm: "Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm".

Như vậy bất kỳ bác sĩ, lương y, nhân viên y tế nào tham gia quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe là vi phạm quy định của pháp luật hiện hành.

z5237864677308-79e79308d5790817887fa41c98d8ce29-1710132004.jpg
Việc sử dụng hình ảnh bác sĩ, lương y, nhân viên y tế để quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe là vi phạm quy định của pháp luật

Theo nghiên cứu và tìm hiểu của Người đưa tin TV, thời gian qua, một số người tự xưng bác sĩ lên mạng xã hội phát livestream quảng cáo, tư vấn bán các loại thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh, khiến nhiều người bệnh tin tưởng và sập bẫy, bỏ tiền mua những sản phẩm không hề có tác dụng chữa bệnh như quảng cáo.

Nổi bật nhất là fanpage Dr Thùy Dung trên mạng xã hội facebook, người phụ nữ xuất hiện trong fanpage này được giới thiệu là Bác sĩ Thùy Dung, tốt nghiệp Học viện Quân y, Giám đốc Trung tâm đào tạo và chăm sóc sức khỏe cộng đồng - Viện khoa học ứng dụng y dược Phương Đông. Người này liên tục phát livestream trên facebook, youtube để quảng cáo bán các loại thực phẩm chức năng như viên xương khớp Glucosamine Avado; viên huyết áp Omega 3 Krill; sữa ngũ cốc Collagen Nebimi, viên uống Collagen các loại…

Điều đáng nói, những sản phẩm này chỉ là thực phẩm chức năng, không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh, nhưng người phụ nữ này liên tục tự xưng là bác sĩ, tư vấn như thuốc chữa các loại bệnh xương khớp, huyết áp…vv khiến nhiều người nhẹ dạ đã tin tưởng vào những lời tư vấn của vị này.

Với việc phát livestream và chạy quảng cáo tần suất cao, nên fanpage Dr Thùy Dung có hơn 300 nghìn người theo dõi, luôn đạt được số lượng người xem lên tới hàng nghìn người, thậm chí là hàng vạn người cho mỗi clip. 

z5238565637191-ee245f654ba193422194a84fff441a73-1710146354.jpg
Trên fanpage Dr Thùy Dung, người phụ nữ tự xưng là bác sĩ liên tục tư vấn sử dụng TPCN như thuốc chữa bệnh

Ngoài ra, trên các nền tảng MXH khác như: Youtube, Tik tok… cũng có kênh của Bác sĩ Thùy Dung, với số lượng người theo dõi lên tới hàng chục nghìn người. Các kênh này liên tục phát các clip quảng cáo tư vấn và bán các sản phẩm thực phẩm chức năng với tần suất cao.

Đáng chú ý, để thu hút người tiêu dùng mua sản phẩm, vị tự xưng là Bác sĩ Thùy Dung này còn tung ra các chiêu giải thưởng “Rước vía thần tài cả năm lộc lá” với mỗi giải thưởng lên tới 1 chỉ vàng. 

Đây là một trong nhiều trường hợp có hành vi mạo danh, sử dụng hình ảnh y, bác sĩ để quảng cáo trái quy định. Để tránh rơi vào bẫy lừa, mua phải những sản phẩm kém chất lượng, người tiêu dùng cần cảnh giác với các clip giới thiệu là bác sĩ, lương y, tư vấn bệnh, tư vấn dùng sản phẩm chữa bệnh. 

Dưới góc độ pháp lý quy định về xử lý hành vi quảng cáo sai sự thật, Luật sư Nguyễn Văn Hiến, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, đối với hành vi quảng cáo sai thật có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Khoản 5, Điều 34, Nghị định 38/2021/NĐ-CP thì phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng.

Trong trường hợp hành vi quảng cáo sai sự thật đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị xử phạt hình sự theo Điều 197 Bộ Luật Hình sự 2015 về tội quảng cáo gian dối.

z5238565618355-c8973b8416f1803108a1376d877782f5-1710146354.jpg
Nhiều người tiêu dùng vì tin tưởng những người mặc áo blouse trắng trên mạng tư vấn nên "xuống tiền" mua các sản phẩm là thực phẩm chức năng để chữa bệnh

Quy định xử phạt hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi quảng cáo sai sự thật

1, Xử phạt hành chính:

Đối với hành vi quảng cáo sai sự thật có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP thì phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 51, điểm b khoản 4 Điều 52, khoản 1 Điều 60, điểm c khoản 1 Điều 61 Nghị định 38/2021/NĐ-CP.

2, Truy cứu trách nhiệm hình sự:

Đối với hành vi quảng cáo sai sự thật nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị xử phạt hình sự theo Điều 197 Bộ Luật Hình sự 2015 về tội quảng cáo gian dối với mức phạt như sau:

- Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Phong Hào - Nguyễn Trung

Quý đơn vị có nhu cầu quảng cáo vui lòng liên hệ hotline 0986.836.036