Ninh Bình: “Vận động” kiểu ... Chủ tịch huyện Kim Sơn

17/01/2020 21:32

Theo dõi trên

Theo phản ánh, một đoàn cán bộ huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình cùng máy móc đã tháo dỡ chòi nuôi hàu của người dân gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn cho biết đoàn cán bộ chỉ đi vận động.

 

“Vận động” kiểu… Chủ tịch huyện Kim Sơn

Từ năm 2016, tỉnh Ninh Bình thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo Nghị quyết số 05 ngày 24/10/2016 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh.

UBND huyện Kim Sơn cũng đã kêu gọi, khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, huy động các nguồn lực của địa phương và tranh thủ vốn đầu tư của tỉnh, của Trung ương để đầu tư, phát triển kinh tế biển.

Vùng bãi bồi ven biển thuộc huyện Kim Sơn (Ninh Bình) có diện tích rộng khoảng hơn 3.000 ha, chủ yếu nuôi thủy sản như: Hàu, tôm sú, cua càng xanh, ngao vạng… tạo được thu nhập cao, ổn định cuộc sống cho người dân, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

ninh binh 2

Khu vực nuôi hàu của người dân huyện Kim Sơn.

Phản ánh đến truyền hình báo Người Đưa Tin, nhiều hộ dân tại xã Kim Đông, huyện Kim Sơn cho biết: Ngày 22/12/2019, ông Đỗ Hùng Sơn, Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn đã dẫn một đoàn cán bộ trong đó có cả lực lượng công an với máy móc đi phá dỡ các bể sản xuất, nuôi hàu giống của nhiều người dân.

Người dân bức xúc về việc, khi tiến hành phá dỡ, cán bộ huyện Kim Sơn và xã Kim Đông không lập biên bản vi phạm hành chính hay quyết định cưỡng chế mà mang máy cuốc vào san ủi, làm hỏng toàn bộ các công trình phục vụ nuôi hàu giống của người dân.

Ông Phạm Văn Hinh (Xã Kim Chung, Kim Sơn) cho biết: “Do không có việc làm, tôi đã thế chấp tài sản để vay ngân hàng 1,9 tỷ đồng sau đó thuê lại đất để nuôi con hàu và có làm cái chòi để ở lại trông coi, để tài sản. Tuy nhiên vào ngày chủ nhật, khi tôi không có ở đầm thì UBND huyện đã đưa người và máy móc ra để phá dỡ hết tài sản của tôi mà không hề có thông báo hay biển bản gì. Giờ gia đình rất hoang mang, cuộc sống của gia đình rất khó khăn”.

Bà Nguyễn Thị Hành (Xóm 1, Kim Mỹ, Kim Sơn): “Tôi đã sản xuất ở đây gần 20 năm nhưng do đất ô nhiễm nên không đảm bảo thu nhập, tôi đã vay mượn thêm tiền để đầu tư làm bể nuôi con Hàu, tuy nhiên chiều 22/12/2019 khi gia đình tôi không có ai ở đây thì có một đoàn rất đông đến, trong đó có cả Công an. Đi cùng đoàn còn có máy quốc đến phá dỡ toàn bộ ao, bể khiến thiệt hại hơn của gia đình hơn 400 triệu đồng, họ cũng không thông báo hay lập biên bản gì, tôi đã xin tự tháo dỡ mà không được”.

Trao đổi với truyền hình báo Người Đưa Tin, ngày 6/1, ông Đỗ Hùng Sơn, Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn cho biết, theo quy định mới, những trường hợp vi phạm và bị phát hiện bắt quả tang thì tiến hành xử lý ngay mà không cần phải lập biên bản hay ban hành quyết định cưỡng chế.

ninh binh 1

Đoàn cán bộ huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình cùng máy móc đã tháo dỡ chòi nuôi hàu của người dân gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Khi được hỏi tại sao tổ công tác bắt quả tang mà lại có sẵn máy cuốc cùng đông đảo lực lượng công an mặc quân phục tham gia và hơn nữa lại vào ngày chủ nhật thì đây rõ ràng là làm việc có kế hoạch, ông Sơn cho biết: “Công an tham gia đoàn là đi vận động người dân chứ không phải cưỡng chế, còn về chiếc máy cuốc đi tháo dỡ chòi, ao của người dân thì không phải của đoàn công tác, việc này tôi sẽ cho kiểm tra lại và trả lời sau”. Ông Sơn hứa, nhưng sau đó đã thất hứa với phóng viên.

Chủ tịch huyện vượt quyền Quốc hội?

Để quản lý hành chính khu vực đất bãi bồi ven sông, ven biển, ngày 19/7/2019, ông Đỗ Hùng Sơn với tư cách Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn đã ký Quyết định số 3328 thành lập “Tổ công tác thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, quản lý hành chính khu vực đất bãi bồi, ven sông, ven biển, đất có mặt nước ven biển”.

Nhiệm vụ của tổ công tác là “thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, quản lý hành chính khu vực đất bãi bồi ven sông, ven biển, đất có mặt nước ven biển huyện Kim Sơn”.

Tại Điều 3 của Quyết định thể hiện: Kinh phí hoạt động của Tổ công tác do UBND huyện đảm bảo, giao cho Phòng Tài chính – Kế hoạch thẩm định kinh phí hoạt động của Tổ công tác trình UBND huyện phê duyệt.

Quyết định được ban hành căn cứ theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Tuy nhiên, tại điều 2 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì chỉ quy định có 3 cấp hành chính thực hiện chức năng quản lý nhà nước là cấp xã, huyện và tỉnh. 

Tiếp đó, ngày 19/12/2019, ông Đỗ Hùng Sơn lại tiếp tục ký Quyết định số 6126 về việc thành lập Tổ công tác tham mưu cho UBND huyện thực hiện chức năng quản lý Nhà nước khu vực bãi nổi ven biển từ đê Bình Minh 2 đến Cồn Nổi và diện tích đất đơn vị 1080 bàn giao cho huyện Kim Sơn.

Nếu có một cấp hành chính khác thì phải do Quốc hội quyết định, không hiểu Chủ tịch huyện Kim Sơn thành lập cấp quản lý hành chính mới đã “tham khảo” ý kiến Quốc hội hay chưa?

Cần phải đánh giá rằng huyện Kim Sơn đã làm tốt công tác vận động, khuyến khích các cá nhân, tổ chức tham gia phát triển kinh tế biển, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, khó tránh khỏi những thiếu sót từ các cá nhân, tổ chức do chưa được tiếp nhận đầy đủ các quy định liên quan. 

Thay vì áp dụng các biện pháp mạnh tay, mang tính cưỡng chế, gây thiệt hại tài sản xã hội và bức xúc trong nhân dân, UBND huyện Kim Sơn cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hoặc ban hành các văn bản hành chính đúng luật để chỉ đạo, điều hành. Dân “tâm phục, khẩu phục” sẽ tự nguyện nghe và thực hiện.

Truyền hình Báo Người Đưa Tin sẽ tiếp tục phản ánh về vụ việc ở phóng sự sau.

 

Cao Thạch Thảo
Bạn đang đọc bài viết "Ninh Bình: “Vận động” kiểu ... Chủ tịch huyện Kim Sơn" tại chuyên mục Pháp luật. Hotline: 088 888 2323 - 0986 836 036

Quý đơn vị có nhu cầu quảng cáo vui lòng liên hệ hotline 0986.836.036