Nỗi buồn ở một vùng kinh tế mới: (Bài 2) Góc nhìn luật gia: Xác định đúng quan hệ pháp luật, khởi kiện đòi tài sản

20/05/2024 08:44

Theo dõi trên

Gần 3 thập kỷ đơn thư khiếu kiện, 85 hộ dân đi kinh tế mới ở 2 xã Hòa Hiệp và Bầu Lâm (thuộc huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) vẫn chưa “tâm phục khẩu phục”. Từ những người khai hoang, phục hóa, nay 85 hộ dân lại rơi vào tình cảnh thiếu đất canh tác, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, vật chất và cả tinh thần.

 

UBND tỉnh: "Không chấp nhận yêu cầu trả lại phần đất thu hồi vượt"


Như đã thông tin ở bài trước: Từ những năm 1980, người dân ở nhiều tỉnh thành trên cả nước đến xã Hòa Hiệp và xã Bầu Lâm, thuộc huyện Xuyên Mộc, tỉnh Đồng Nai (nay là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) để khai hoang, lập xóm, theo tinh thần, chủ trương của Đảng và Nhà nước về khai hoang xây dựng vùng kinh tế mới.

Đến năm 1994, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BRVT) ban hành Quyết định số 777/QĐ-UBT, về việc thu hồi 500 ha đất tại xã Hòa Hiệp và xã Bầu Lâm, huyện Xuyên Mộc, giao cho Công ty Cao su Thống Nhất (nay là Công ty Cổ phần Cao su Thống Nhất) để trồng mới cây cao su theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Sau khi nhận Quyết định 777/QĐ-UBT, Công ty Cao su Thống Nhất đã tự ý di dời mốc ranh 500 ha lấn chiếm thêm 103 ha đất và làm thiệt hại hoa màu và tài sản của người dân. Sự việc này thể hiện tại Báo cáo số 08/ BC-UBX, ngày 24/6/1995 của UBND xã Hòa Hiệp và Biên bản bàn giao đất trồng cao su số 01/ BB.CT, ngày 5/1/1998 giữa Công ty Cao su Thống Nhất với Xí nghiệp liên doanh Vibelatex.

Gần 30 năm qua, kể từ khi bị mất đất, 85 hộ dân ở 2 xã Hòa Hiệp và xã Bầu Lâm đã không ngừng đơn thư khiếu kiện, nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng.

z5451267691867-89b786bf9de134381a4121ae8fcd7945-1715966275.jpg
Gần 30 năm qua, 85 hộ dân thuộc 2 xã Hòa Hiệp và Bầu Lâm liên tục khiếu nại đòi diện tích đất mà trước đây họ đã khai hoang, sử dụng

Ngày 19/6/2017, UBND huyện Xuyên Mộc ban hành Văn bản số 2642/ UBND-VP, về việc trả lời đơn khiếu nại của công dân.

Biên bản thể hiện: Vụ việc khiếu nại của 85 hộ dân ở 2 xã Hòa Hiệp và Bầu Lâm đã được UBND tỉnh BRVT giải quyết tại Quyết định 6520/ QĐ-UB, ngày 20/8/2001. Theo đó, UBND tỉnh không chấp nhận khiếu nại của 85 hộ dân về việc Công ty Cao su Thống Nhất thu hồi 103 ha ngoài diện tích 500 ha theo Quyết định 777/ QĐ-UBT và không chấp nhận yêu cầu trả lại phần đất thu hồi vượt, đòi bồi thường thỏa đáng về thiệt hại hoa màu, tài sản trên đất vì không đủ cơ sở xem xét giải quyết.

Mặt khác, năm 2001, Thanh tra nhà nước (Thanh tra Chính phủ) có văn bản thể hiện: Từ năm 2001 trở về trước, quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn huyện Xuyên Mộc, được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp, ban ngành trong tỉnh quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện, giải quyết đúng chính sách Nhà nước. Đồng thời đưa ra căn cứ xác định việc khiếu nại của dân đã được các cấp, ban ngành giải quyết xong.

z5451268724190-d057b2f559a5476b535d63c49d073901-1715966322.jpg
Văn bản trả lời của UBND huyện Xuyên Mộc thể hiện, việc khiếu nại của 85 hộ dân đã được UBND tỉnh BRVT giải quyết từ năm 2001

Ông Nguyễn Văn Chắt, bức xúc: “Chúng tôi thấy rất vô lý. Thực tế chưa bao giờ có một cái văn bản, hay quyết định giải quyết nào về tận tay chúng tôi, chỉ có chứng từ là chúng tôi đã gửi được đơn và đã nhận được đơn chứ còn văn bản giải quyết thì chưa có”.

Bà Huỳnh Thị Phượng, cho biết: “Từ ngày biết được công ty ủi đất ngoài 500 ha năm 1996 đến giờ là chúng tôi liên tục gửi đơn. Nhưng gửi đơn đến đâu là hết thời hiệu, không đủ cơ sở, rồi nói là đất người dân không có giấy tờ. Thử hỏi đất sử dụng trước năm 1993 thì ai lại có giấy tờ, trong khi đây chúng tôi đến đây theo diện đi phát triển vùng kinh tế mới thì lấy đâu ra giấy tờ. Năm 1997 UBND tỉnh BRVT mới ra được giấy để làm sổ đỏ, nhưng thử hỏi dân ở đây mấy ai có được sổ đỏ, đất chưa kịp làm sổ thì bị thu hồi. Chúng tôi chỉ biết khóc kêu trời”.

Quá ấm ức, vì sau nhiều năm khiếu nại hành chính mà không được các cấp chính quyền tỉnh BRVT giải quyết “thấu tình - đạt lý”, năm 2018, người thực hiện quyền khởi kiện quyết định hành chính ra Tòa án nhân dân tỉnh BRVT, nhưng nhận lại quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính với lý do hết thời hiệu khởi kiện.

Góc nhìn luật gia: Xác định đúng quan hệ pháp luật, khởi kiện đòi tài sản

Luật sư Nguyễn Thị Tình, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, đánh giá: “Với các quyết định hành chính được ban hành từ các năm 1995, 1998 đến năm 2018 thì đã hết thời hiệu khởi kiện là đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên nếu 85 hộ dân đã khiếu nại từ năm 2001 nhưng đến nay chưa nhận được văn bản giải quyết khiếu nại của các cấp chính quyền, không được tiếp cận với các sơ đồ thể hiện vị trí, ranh giới khu đất giao cho Công ty Cao su Thống Nhất để đối thoại trong quá trình giải quyết khiếu nại thì chúng tôi nhận thấy có dấu hiệu thiếu công khai, minh bạch, khiến cho người dân đặt câu hỏi có hay không sự khuất tất trong quá trình giao đất và giải quyết khiếu nại của các cấp chính quyền. Các hộ dân đã khiếu nại trước đây có quyền đề nghị UBND tỉnh BRVT cung cấp quyết định giải quyết khiếu nại số 6520/QĐ-UB ngày 20/08/2001 của UBND tỉnh BRVT để có căn cứ thực hiện các thủ tục tiếp theo”. 

z5451267656439-1d4f176f864fd8bbefb4c6c654decb87-1715966274.jpg
Luật sư Nguyễn Thị Tình, Đoàn Luật sư TP Hà Nội: Cần xác định đúng quan hệ pháp luật và khởi kiện đòi tài sản

Hơn 40 năm trôi qua, những người lính thời bình, tiên phong đi xây dựng vùng kinh tế mới ở xã Hòa Hiệp và xã Bầu Lâm, huyện Xuyên Mộc, tỉnh BRVT. Nơi đây, từng là vùng đất hoang vu được họ đặt chân khai phá, trở thành vùng nông nghiệp mới, tạo ra việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống, hình thành cộng đồng dân cư gắn kết về văn hóa và phát triển mạnh về kinh tế. Thế nhưng hiện nay, gần 100 hộ dân đang rơi vào tình cảnh thiếu đất canh tác, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, vật chất và cả tinh thần.

Bà Nguyễn Thị Hiệp, chia sẻ: “Từ năm 1996 tới nay gia đình tôi rất đói khổ, không có cơm ăn, không có nhà ở, không có đất sản xuất. Tôi trông mong sao Nhà nước, Chính phủ quan tâm, xem xét giải quyết việc này bà con chúng tôi để có đất tăng gia sản xuất, cơm ăn, áo mặc”. 

Bà Huỳnh Thị Phượng, cho biết: “Từ ngày công ty thu hồi đất đến giờ chúng tôi thấy không làm được cái gì, để bỏ hoang, khô cháy, không mang lại lợi ích gì cho đất nước. Trong khi đó, người dân chúng tôi phải đói khổ, không có ăn, không có học, phải đi ở đợ, lang thang, không may lại đi trộm cắp của người ta để cho khổ sở người dân. Tôi mong muốn luật pháp làm sáng tỏ vụ đất này, cái nào của nhà nước là của nhà nước, cái nào của công ty là của công ty, cái nào cũng dân thì xin trả lại cho dân”.

Anh Lê Ngọc Hoàn, cho biết thêm: “Từ ngày mất đất canh tác, tôi đã đi làm thuê ở Tây Nguyên. Giờ về đây không đòi được đất tôi vẫn đi làm thuê, cuốc mướn để kiếm cái ăn qua ngày”.

Ông Phùng Ngọc Cao, nghẹn ngào nói: “Chúng tôi rất đau lòng, cả tài sản, cả mồ hôi nước mắt, công sức của bà con chúng tôi từ mọi miền đất nước đến đây an cư lập nghiệp, phát triển vùng kinh tế mới. Vậy mà trong “chớp mắt” đã không còn gì bởi Công ty Cao su Thống Nhất”.

z5451267680643-fff36907e6f64524bfd293622cb29cbf-1715966276.jpg
Người dân chưa "tâm phục khẩu phục" với phương án giải quyết của cơ quan chức năng

Phóng viên Người Đưa Tin TV đã đến liên hệ làm việc với UBND và Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhưng đến nay chưa nhận được hồi âm.

Luật sư Nguyễn Thị Tình, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, đánh giá: “Hiện nay các hộ dân cần xác định đúng quan hệ pháp luật bị tranh chấp để khởi kiện dân sự về tranh chấp đất đai với Công ty Thống Nhất, đòi lại tài sản là quyền sử dụng đất do hộ gia đình mình tự khai hoang, cải tạo. Thời hiệu khởi kiện sẽ không áp dụng đối với trường hợp kiện đòi tài sản. Đồng thời làm đơn tố cáo, tố giác các cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý và bảo vệ đất đai làm thiệt hại tài sản của nhân dân, gây hậu quả nghiêm trọng”. 

(Còn nữa)

Nhóm PV

Quý đơn vị có nhu cầu quảng cáo vui lòng liên hệ hotline 0986.836.036