Cụ thể, gầm cầu giao thông là kết cấu hạ tầng chỉ để phục vụ cho nhu cầu giao thông, các cá nhân, tổ chức không được chiếm dụng để phục vụ mục đích khác.
Hành vi “lấn chiếm cầu vượt, hầm cho người đi bộ, gầm cầu vượt” có thể bị xử phạt từ 4 đến 6 triệu đồng đối với cá nhân và từ 8 đến 12 triệu đồng đối với tổ chức, quy định tại khoản 6, Điều 12, Nghị định 100/2019 của Chính phủ.
Nếu hành vi lấn chiếm gầm cầu giao thông mà hủy hoại hoặc gây hư hỏng tài sản mà chưa đến mức xử lý hình sự thì có thể bị phạt tiền đến 5.000.000 đồng và buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu theo khoản 2, Điều 15, Nghị định 144/2021.
Bên cạnh đó, theo Điều 178, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) thì với trường hợp hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản ở mức cao nhất thì người vi phạm có thể bị phạt tù đến 20 năm tù, phạt tiền đến 100.000.000 đồng.
Quy định rõ ràng, chế tài xử phạt cũng có nhưng do các gầm cầu thường là vị trí “vàng”, thuận tiện và không mất chi phí nên một số cá nhân, tổ chức đã bất chấp quy định pháp luật để chiếm dụng, kinh doanh gây mất mỹ quan đô thị, mất ATGT, ô nhiễm môi trường và có nguy cơ gây cháy nổ, làm hư hỏng kết cấu của cầu.
Theo tìm hiểu của PV, tại Hà Nội nhiều gầm cầu đang bị người dân chiếm dụng làm nơi bày bán kinh doanh, tập kết hàng hóa, vật liệu xây dựng và bãi đỗ xe như: Gầm cầu vượt thuộc đường Văn Cao - Hoàng Hoa Thám (quận Tây Hồ), gầm cầu Long Biên, gầm cầu Vĩnh Tuy, cầu Thăng Long bị chiếm dụng làm điểm đỗ xe ô tô, bán hàng.
Trong đó, gầm cầu Thăng Long, đoạn qua xã Võng La và xã Hải Bối (huyện Đông Anh) là điểm bị lấn chiếm nhiều nhất. Với chiều dài hàng trăm mét, hàng ngàn m2 dưới chân cầu Thăng long bị hàng chục hộ dân đổ chất thải san lấp tạo mặt bằng, đổ xi măng, rồi quây lưới b40 để đánh dấu chủ quyền và “biến” thành những điểm bán hàng, bãi sửa xe, tập kết phế liệu của riêng mình. Thậm chí có cả 1 trang trại chăn nuôi ở đây, chất thải chưa được xử lý thì đổ thẳng ra môi trường.
Việc lấn chiếm hành lang bảo vệ cầu vào mục đích khác sẽ ảnh hưởng đến sự an toàn của cầu, nếu xảy ra cháy nổ thì nguy cơ ảnh hưởng đến kết cấu và tuổi thọ của cầu là rất cao, qua đó phải kiểm tra lại kết cấu, chất lượng của toàn bộ cây cầu với khoản kinh phí không hề nhỏ.
Mới đây, vào sáng 07/02/2023, một bãi phế liệu của ông Phạm Xuân Tuân (SN 1990, trú tại Võng La, Đông Anh) lấn chiếm gầm cầu Thăng Long rộng khoảng 100m2 bất ngờ bốc cháy dữ dội, cột khói đen bốc cao hàng chục mét kèm mùi khét bao phủ cây cầu khiến hàng trăm phương tiện không thể di chuyển.
Công an huyện Đông Anh đã huy động nhiều xe và hàng chục cán bộ chiến sĩ đến dập lửa. Ngọn lửa sau đó đã được dập tắt nhưng hậu quả nó để lại thì rất lớn, cả trăm m2 bị ám khói, trong đó nhiều vị trí bê tông, kết cấu bị ngọn lửa tàn phá bong tróc.
Sau đó, những vết bong tróc trên cầu đã vội được “quét” lại để che đi những khuyết điểm. Người vi phạm có lẽ cũng sẽ bị xử lý theo quy định, thế nhưng trách nhiệm của lãnh đạo xã, huyện, hay đơn vị quản lý cầu như thế nào thì chưa thấy công bố.
Thiết nghĩ, để giải quyết vấn đề, ngành GTVT, đơn vị quản lý cầu đường cùng các địa phương cần rà soát, tăng cường công tác kiểm tra, thường xuyên tuyên truyền cũng như kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm; qua đó cần xem xét trách nhiệm của người đứng đầu khi được giao quản lý lại để xảy ra nhiều vi phạm kéo dài. Có như vậy việc lấn chiếm, sử dụng gầm cầu mới không còn tái diễn.