Cố tình ném hỗn hợp các loại chất thải, chất bẩn vào nhà của người khác là gây rối trật tự công cộng, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và vệ sinh chung ở khu vực dân cư. Hành vi trên mang nhiều mục đích như đe dọa nạn nhân để đòi nợ, làm hư hỏng một phần tài sản hoặc vì mục đích trả thù,...
Đặc điểm chung của các loại chất bẩn được ném là thường có mùi hôi, có màu, khó tẩy rửa. Do đó, các hành vi trên còn tạo tâm lý khó chịu và gây ảnh hưởng tới các hộ gia đình xung quanh.
Mới đây, gia đình anh Đào Thế Nam (Vạn Thắng, Ba Vì, Hà Nội) bị một nhóm đối tượng hắt dầu nhớt thải, sơn đỏ và chai thủy tinh vào nhà dù không nợ nần hay liên quan gì đến nhóm người này. Vụ việc gây bức xúc, hoang mang cho cả gia đình và những hộ lân cận. Anh Nam đã làm đơn trình báo sự việc đến lực lượng công an địa phương.
Trường hợp xử lý hành chính được quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 7, Nghị định 167/2013 trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, thì “người nào có hành vi “Đổ, ném chất thải, chất bẩn hoặc các chất khác làm hoen bẩn nhà ở, cơ quan, trụ sở làm việc, nơi sản xuất, kinh doanh của người khác” sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản trước khi xảy ra hành vi vi phạm”.
Trường hợp xử lý trách nhiệm hình sự, người ném chất bẩn vào nhà người khác có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm theo quy định tại Điều 178 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.
Trên thực tế, đã có nhiều đối tượng thực hiện hành vi ném chất bẩn vào nhà người khác đã bị cơ quan chức năng điều tra xử lý và khởi tố.
Đơn cử, ngày 27/7/2021, CA TP Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 7 bị can về hành vi “Gây rối trật tự công cộng” liên quan đến việc nhóm này ném chất bẩn, đem vòng hoa để đòi nợ.
Hay ngày 29/9/2022, TAND TP Phúc Yên đã có bản án số 75/2022/HS-ST tuyên án 4 bị cáo về hành vi “hủy hoại tài sản” tại TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc cũng liên quan đến việc ném chất bẩn vào nhà dân vì tranh chấp đất đai…
Từ những vụ việc phức tạp, gây hoang mang dư luận như trên, để đảm bảo sức khỏe và tính mạng của người dân, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác đảm bảo ANTT cũng như tuyên truyền phổ biến pháp luật đến người dân, và xử lý nghiêm nhằm tạo tính răn đe, tránh xảy ra những vụ việc tương tự…
Điều 178 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản quy định, người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật.