Thái sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí: Danh tướng, danh thần kiệt xuất của dân tộc Việt Nam

06/06/2023 10:16

Theo dõi trên

Thái sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí sinh năm Đinh Sửu 1397 tại làng Thượng Xá, huyện Chân Phúc nay là xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

Mới 19 tuổi, Nguyễn Xí đã tham gia nghĩa quân Lam Sơn dưới ngọn cờ khởi nghĩa của Bình Định Vương Lê Lợi. Trong suốt 10 năm nếm mật nằm gai, vào sinh ra tử, là một vị tướng tài ba, tận trung tận hiếu, dũng cảm mưu lược, Nguyễn Xí trở thành cánh tay đắc lực của Lê Lợi, được xếp vào hàng khai quốc công thần. Ông đã giúp nghĩa quân Lam Sơn giành nhiều thắng lợi quan trọng trên các mặt trận như Lạc Thuỷ, Mường Thôi, Chúc Động, Tốt Động, Thành Nghệ An, Bồ Đằng, Trà Lân, Đông Quan, Xương Giang góp phần làm nên chiến thắng lịch sử vẻ vang đánh tan quân xâm lược nhà Minh, đất nước hoàn toàn được giải phóng sau 20 năm chịu sự đô hộ thống trị của giặc.

Năm Thuận Thiên thứ nhất 1428, Bình Định Vương Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, lấy quốc hiệu là Đại Việt đã phong cho ông là "Long Hổ Thượng tướng Suy trung Bảo chính Công thần" và ban Quốc tính là Lê Xí.

Là một vị quan đầu triều, ông luôn giữ trọng đạo phận tôi trung. Nguyễn Xí là người có công lớn hy sinh cả tình phụ tử thiêng liêng mưu sự nghiệp lớn, tận tâm phụng sự 4 đời vua Lê: Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông và Lê Thánh Tông trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước thịnh vượng suốt 37 năm (1428 – 1465).

anh-chup-man-hinh-2023-06-05-luc-122957-1685943210.png
Nguyễn Xí trở thành cánh tay đắc lực của vua Lê Lợi, được xếp vào hàng khai quốc công thần

Vua Lê Thánh Tông đã viết bài chế dụ dành cho ngài với lời lẽ hết sức trân trọng: “… Xét Nguyễn Xí đây khí độ trầm hùng, tính người cương đại, giúp Cao Hoàng khi mở nước trăm trận gian nan, Phò Tiên khảo lúc thủ thành, hết lòng giúp rập. Ra vào hết chức phận tướng văn, tướng võ. Trước sau giữ trọn tiết làm tôi, làm con. Giữ mình có đạo, hồn nhiên như ngọc chẳng khoe tươi. Nghiêm mặt ở triều, lẫm liệt như thanh gươm mới tuốt. Các quan đều tưởng mộ phong thái. Bốn biển đều ngưỡng vọng uy danh. Ta lên ngôi như mặt trời mới mọc, Người hết lòng bày tỏ mưu mô; Tôn miếu xã tắc được vững vàng, trung châu, man di đều thuần phục…

Ngày 30 tháng 10 năm Ất Dậu (1465), Nguyễn Xí tạ thế, hưởng thọ 69 tuổi. Nhà Vua nghe tin đã bỏ chầu 3 ngày không ngự triều và than rằng "Từ khai quốc đến nay chẳng ai được như ngươi". Linh cữu của ông được chuyển ra quàn tại Điện Kính Thiên (điện tế trời) 43 ngày để các quan văn võ trong triều và các nơi đến kính viếng theo nghi thức quốc tang, sau đó chuyển linh cữu về quê nhà làng Thượng Xá, nay là xã Khánh Hợp để an táng.

anh-chup-man-hinh-2023-06-05-luc-123022-1685943323.png
Linh cữu của ông được an táng tại quê nhà làng Thượng Xá, nay là xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An

Sau 2 năm Ngài mất, Nhà vua còn ban dụ xuất kinh phí xây dựng Cương Quốc Công Từ (đền thờ Nguyễn Xí) theo chế độ "quốc tạo quốc tế" (tức nhà nước xây dựng, nhà nước tế lễ). Cùng năm đó, Vua Lê Thánh Tông ban "ngự tứ thạch bi" và "ngự tứ mộ chí" (cho dựng bia đá và dựng mộ chí Cương Quốc Công) và lệnh cho Trạng Nguyên Nguyễn Trực soạn văn bia ca ngợi công lao kiệt xuất của người.

Năm Quý Tỵ (1473), niên hiệu Hồng Đức thứ 3, Vua Lê Thánh Tông ban sắc thần cho Thái Sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí tới bậc "Hồng ân Đại Vương, Thượng đẳng Phúc thần", về sau Vua Gia Long lên ngôi Hoàng Đế mở đầu vương triều nhà Nguyễn phong sắc thần cho Nguyễn Xí "Thượng, Thượng Đẳng, Tối linh tôn thần" .

Năm Hồng Đức thứ XV (1484), Nhà Vua truy phong ông là Thái Sư Cương Quốc Công và ban dụ cho làng Thượng Xá được cử 2 người chuyên lo bảo vệ, chăm lo hương đèn tại Cương Quốc Công Từ.

anh-chup-man-hinh-2023-06-05-luc-123055-1685943323.png
Nơi đây được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt

Công lao to lớn của ông cho dân tộc Đại Việt đã được tôn vinh không chỉ lúc sinh thời mà sau khi qua đời, công lao của người mãi toả sáng ngàn năm. Đền thờ Nguyễn Xí được trùng tu quy mô lớn nhất vào những năm 20 của thế kỉ XX. Mặc cho năm tháng có sự thăng trầm, nhưng chưa một ngày vắng bóng đèn nhang, hương khói. Đây là khu Di tích kiến trúc lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt, đẹp nhất còn lại trên đất Nghệ An hiện nay và ngày một thêm tráng lệ oai nghiêm. Con cháu của họ tộc, kể cả thiện nam, tín nữ xa gần ngày một hội tụ đông đúc về đây chiêm bái, cầu phúc cầu yên. 

Lễ hội đền thờ được tổ chức vào ngày 29 tháng Giêng đến ngày 1 tháng 2 âm lịch hằng năm là dịp để nhân dân cả nước và hậu duệ con cháu dòng họ Nguyễn Đình tỏ lòng tôn kính, tường nhớ đến vị danh thần kiệt xuất của dân tộc, giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ con cháu, đồng thời góp phần bảo tồn phát huy giá trị văn hoá di tích quốc gia đặc biệt.

Bạn đang đọc bài viết "Thái sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí: Danh tướng, danh thần kiệt xuất của dân tộc Việt Nam" tại chuyên mục Đời sống. Hotline: 088 888 2323 - 0986 836 036

Quý đơn vị có nhu cầu quảng cáo vui lòng liên hệ hotline 0986.836.036