Thay mới vỉa hè bằng đá tự nhiên ở Hà Nội: “Tiền mất tật mang”

04/06/2021 16:08

Theo dõi trên

Chỉnh trang lại vỉa hè, làm đẹp bộ mặt của Thủ đô là điều cần thiết và được dư luận ủng hộ. Tuy nhiên, việc thay mới sang đá tự nhiên không đạt được như sự kỳ vọng, lại gây hao phí ngân sách nhà nước và ảnh hưởng tới người dân.

 

Cuối năm 2016, TP Hà Nội có chủ trương thay mới đá lát vỉa hè. Theo kế hoạch năm 2020, Hà Nội sẽ cán đích, hoàn thành mục tiêu 936 tuyến đường của 12 quận nội thành được thay thế từ gạch truyền thống sang đá tự nhiên, loại đá có kết cấu bền vững với tuổi thọ lên đến 70 năm. Theo Sở Xây dựng, lát bằng đá tự nhiên có chi phí dao động từ hơn 475.000 đồng đến 2,5 triệu đồng/m2 (tuỳ đoạn vỉa hè rộng hẹp). 

Ông Vũ Thế Khoản, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàng Mai cho biết, năm 2017 dự án cải tạo đường Giải Phóng đoạn từ phố Tương Mai đến đường Vành đai 3, tổng mức đầu tư là 10,76 tỷ đồng, chiều dài là 2,83km. Dự án cải tạo duy tu mặt đường, vỉa hè đường 2,5 có giá trị 13,78 tỷ đồng, chiều dài khoảng 900m. Số liệu của báo điện tử VOV năm 2017 cũng nêu ra chi phí thay mới vỉa hè của một số tuyến phố quận Hai Bà Trưng, cụ thể: Tuyến phố Nguyễn Du hơn 11 tỷ đồng; tuyến phố Bà Triệu gần 15 tỷ đồng; tuyến Đại Cồ Việt là 14,9 tỷ đồng…

Việc “thay áo” cho vỉa hè là điều nên làm và cần thiết. Dư luận cũng hết sức ủng hộ. Điều mà người dân thủ đô kỳ vọng là chất lượng phải đảm bảo để không phải chứng kiến cảnh đào bới, gây ảnh hưởng tới kinh doanh, đi lại. 

nam-anh-xe-bus00-15-21-15still017-1621832750.jpg
TP Hà Nội đang thi công thay mới, lát đá vỉa hè tại một số tuyến phố

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, việc thay mới lại vỉa hè lại bộc lộ rõ nhiều bất cập. Điều này khiến cho dư luận đặt dấu hỏi lớn, vì sao đã chỉnh trang rất nhiều lần nhưng vỉa hè vẫn như một đại công trường? 

Tại đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), vỉa hè mới được đưa vào sử dụng, sau 3 năm đã xuất hiện nhiều vị trí đá lát bị bung, vỡ, sụt lún.

Còn tại đường Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân), đường Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy) vỉa hè lát đá cũng xuất hiện tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, tạo nên cảnh nhếch nhác, thiếu mỹ quan đô thị.

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vỉa hè dù “thay da đổi thịt” thường xuyên vẫn không thể đảm bảo được độ bền. 

nam-anh-xe-bus00-12-42-07still014-1621832750.jpg
Đá truyền thống không được sử dụng nữa mà thay vào đó là loại đá tự nhiên có tuổi thọ cao hơn

Nguyên nhân phổ biến là do vỉa hè đang bị lạm dụng và sử dụng sai công năng vốn có của nó. Tình trạng tắc đường xảy ra thường xuyên trong giờ cao điểm thì việc người điều khiển xe máy “leo” lên vỉa hè để đi không phải là chuyện hiếm.

Cũng theo quan sát của PV khi vữa lát đá còn chưa khô, gạch đá còn ngổn ngang, công nhân vẫn đang thi công thì các phương tiện đã đỗ luôn trên vỉa hè. Điều này khiến cho gạch bị vỡ, sụt, lún, không còn chắc chắn. 

Bên cạnh đó, người dân lại cho rằng việc vỉa hè xuống cấp nhanh chóng là do quá trình thi công không đạt yêu cầu. 

Theo báo điện tử Tuổi trẻ, nói về trách nhiệm của Sở Xây dựng Hà Nội trong việc vỉa hè xuống cấp nhanh hơn so với dự kiến, đại diện Sở này cho hay, phía Sở chỉ kiểm tra tổng quan quá trình thi công, còn trách nhiệm kiểm tra chính, xử phạt thì thuộc về các chủ đầu tư là UBND các quận, huyện có thi công vỉa hè. 

nam-anh-xe-bus00-14-28-17still015-1621832750.jpg
Thế nhưng, việc người dân đi xe lên vỉa hè vào các khung giờ cao điểm lại gây ra hiện tượng vỉa hè bị bong tróc, nứt vỡ đá lát
nam-anh-xe-bus00-14-51-20still016-1621832750.jpg
Việc thay mới vỉa hè tại Thủ đô như một vòng tuần hoàn ngắn, cứ nâng cấp rồi xuống cấp và lại sửa chữa, xây lại...

Còn UBND quận Thanh Xuân, địa phương có vỉa hè bị bong tróc sau khi lát đá tự nhiên, lại cho rằng, việc vỉa hè bị bong tróc, vỡ, sụt lún là do các phương tiện thường xuyên đi lên vỉa hè vào giờ cao điểm, chứ không phải do quá trình thi công, giám sát. 

Trả lời phóng viên báo giao thông, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN lại nhận định trước hết trách nhiệm thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước của địa phương. Sở Xây dựng là một trong những đơn vị có liên quan chính, và có trách nhiệm chung phải giải quyết vấn đề này.

Nếu không làm chặt chẽ, giải quyết triệt để những sai phạm trong xây dựng, nghiệm thu, phương tiện đi không đúng phần đường thì việc thay mới vỉa hè sẽ như một vòng quay tuần hoàn ngắn, cứ nâng cấp, rồi xuống cấp, rồi lại sửa chữa xây lại.  

Thạch Thảo
Bạn đang đọc bài viết "Thay mới vỉa hè bằng đá tự nhiên ở Hà Nội: “Tiền mất tật mang”" tại chuyên mục Đời sống. Hotline: 088 888 2323 - 0986 836 036

Quý đơn vị có nhu cầu quảng cáo vui lòng liên hệ hotline 0986.836.036