Từ năm 2013 đến nay, UBND TP Hà Nội đã ban hành 3 Chỉ thị là Chỉ thị số 11 ngày 14/5/2013, Chỉ thị số 04 ngày 14/01/2014 và Chỉ thị số 07 ngày 30/3/2021 về việc yêu cầu các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã theo chức năng nhiệm vụ được phân công tăng cường quản lý Nhà nước đối với đất công, đất nông nghiệp, trật tự xây dựng và bảo vệ đê điều, thuỷ lợi trên địa bàn Thành phố.
Cả ba Chỉ thị nêu rõ UBND các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước UBND TP về việc quản lý quỹ đất nông nghiệp, đất bãi bồi ven sông và đất hành lang bảo vệ đê điều. Yêu cầu Chủ tịch UBND các phường, xã, thị trấn phải cương quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng thẩm quyền. Nếu để xảy ra vi phạm mới mà không xử lý thì phải chịu trách nhiệm.
Chỉ đạo của UBND TP là rất rõ và quyết liệt nhưng tại quận Tây Hồ, tình trạng lấn chiếm đất công, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp đã và đang diễn ra tràn lan, phức tạp.
Khu vực ngoài đê, nơi giáp bờ sông Hồng phần lớn là bãi bồi, đất nông nghiệp được người dân canh tác, chủ yếu trồng hoa và cây cảnh nhưng từ đầu năm đến nay, khi có thông tin UBND TP Hà Nội chuẩn bị công bố quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng thì tình trạng nhận chuyển nhượng, xây dựng trái phép trở nên rầm rộ.
Bãi đất trồng hoa và cây cảnh, nay đã mọc lên cả trăm công trình xây dựng san sát nhau, kéo dài cả cây số. Không chỉ xây dựng nhà cấp 4, nhiều ngôi nhà còn xây dựng quy mô lên đến 3- 4 tầng nhưng UBND phường lại không có biện pháp xử lý triệt để.
Bức xúc trước việc xây dựng trái phép, lấn chiếm đất công trên địa bàn, cuối năm 2020, ông Dương Tiến Sử (địa chỉ tại ngõ 76, phố An Dương, quận Tây Hồ) đã gửi đơn tố cáo.
Cụ thể, đơn tố cáo nêu các công trình tại số 80B ngõ 310; công trình cạnh ngách 38/50 ngõ 310 đường Nghi Tàm; công trình số 27 và 47 thuộc ngách 35/76 phố An Dương; nhà số 3 ngõ 172 phố Âu Cơ không có giấy phép nhưng vẫn tiến hành xây dựng từ 2 đến 3 tầng kiên cố.
Tại thời điểm đó, những công trình bị tố cáo vẫn đang ngang nhiên xây dựng. Đến nay đã dần hoàn thiện và đưa vào sử dụng.
Theo quy định thì những công trình xây dựng không phép, xây dựng trên đất nông nghiệp phải được lập biên bản vi phạm và xử lý ngay từ khi mới phát sinh. Tuy nhiên, tại đây không có công trình nào bị đình chỉ hay cưỡng chế.
Dư luận đặt câu hỏi, tại sao cán bộ để xảy ra vi phạm như vậy, nhưng vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ và được luân chuyển vị trí cao hơn? Việc giải quyết tố cáo của dân có thực sự khách quan không, có sự bao che của UBND quận Tây Hồ hay không? Và việc người dân cho rằng sau khi đóng một khoản tiền “luật” thì sẽ được xây dựng trái phép một cách công khai có đúng không?
Để tìm hiểu thông tin về vụ việc, PV đã đến UBND quận Tây Hồ để liên hệ làm việc, tuy nhiên cả hai cơ quan này chọn cách im lặng, im lặng như cách mà các sai phạm tồn tại bấy lâu nay.
Người đưa tin TV sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.