Khi xảy ra vụ va chạm, trên xe taxi do tài xế Hùng điều khiển có chở hành khách. Ngoài một số người bị thương, thì còn có 1 nạn nhân tử vong. Đây chính là hậu quả nghiêm trọng, dẫn đến việc CQĐT khởi tố vụ án hình sự.
Theo nội dung Cáo trạng số 51/CT-VKS-P2 ngày 3-4-2020, VKSND tỉnh Hưng Yên đề nghị truy tố Đào Duy Hùng ra trước TAND tỉnh Hưng Yên để xét xử về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo khoản 1, Điều 202, Bộ luật hình sự. Sau đó, Hùng bị tuyên án 1 năm 6 tháng tù giam, còn tài xế tông xe thì hưởng mức án 1 năm 3 tháng tù treo.
Tại phiên toà sơ thẩm cũng như phúc thẩm, các luật sư đã phản ứng cực kỳ gay gắt với các vi phạm trong tố tụng của CQĐT CA huyện Yên Mỹ, cũng như quan điểm của VKSND huyện Yên Mỹ và tỉnh Hưng Yên, khi bên bị đâm xe thì lĩnh án tù, còn bên đâm xe vào người khác thì lĩnh án treo.
Theo hồ sơ vụ án: Tài xế Hùng chở một gia đình đưa một thành viên đi cúng giải hạn ở Thái Bình do người này có biểu hiện tâm thần. Trên đường về, khi đang di chuyển trên cao tốc Hải Phòng – Hà Nội, thì bệnh nhân tâm thần có biểu hiện co giật, túm và giật cổ tài xế Hùng về phía sau. Tài xế này theo phản xạ giảm tốc độ và lái xe vào làn dừng khẩn cấp. Đúng lúc này thì bị một chiếc xe 16 chỗ (của Cty TNHH hóa dệt Hà Tây) đâm vào từ phía sau. Cú va chạm mạnh đến mức, xe do tài xế Hùng điều khiển va vào dải phân cách ven đường rồi bắn ra ngoài, bốn bánh chổng ngược.
Tại một số bút lục, anh Vũ Khánh Việt, người lái xe 16 chỗ, khai do trời mưa và nhập nhoạng tối, nên khi khoảng cách còn gần 40m thì mới phát hiện xe phía trước nhưng không tránh kịp. Có bút lục thể hiện anh Việt nhận lỗi về mình do không giữ khoảng cách an toàn và thiếu quan sát.
Các hành khách ngồi trên xe tài xế Hùng điều khiển cũng khai do người nhà có biểu hiện thần kinh, túm vào phần đầu tài xế, nên các luật sư khẳng định đây là 1 một tình huống khẩn cấp. Còn cơ quan tố tụng, thì lại kết luận tài xế Hùng dừng xe trên đường cao tốc 37s, là nguyên nhân dẫn đến TNGT.
Vụ việc sẽ không quá phức tạp nếu các cơ quan tố tụng huyện Yên Mỹ làm đúng quy trình, quy định ngay từ đầu. Tại toà, các luật sư đã chỉ ra nhiều vi phạm.
Thứ nhất: Sau khi xảy tai nạn, CQĐT đã vội vàng trả lại 2 xe ô tô cho Cty TNHH Hóa dệt Hà Tây và Cty cổ phần taxi Hà Nội mà không thực nghiệm điều tra dựng lại hiện trường, mới dẫn đến không xác định được vị trí điểm va chạm đầu tiên giữa 2 xe ô tô, nên không có cơ sở để xác định góc độ đâm thẳng hay đâm chéo và các tình huống dấu vết khác không xác định được để bổ sung cho chứng cứ.
Thứ hai: Hiện trường để lại 2 dấu vết phanh của xe ô tô, CQĐT không lấy mẫu vật phẩm dấu vết phanh trên hiện trường và không lấy vật phẩm cao su lốp của 2 xe để gửi giám định là câu hỏi kỹ năng, nghiệp vụ buộc điều tra viên phải biết khi thụ lý để giải quyết vụ án nhưng không thực hiện.
Thứ ba: CQĐT và VKS đã có mặt kịp thời để khám nghiệm hiện trường và khám nghiệm phương tiện giao thông nhưng bỏ qua việc thu giữ vật chứng là thiết bị giám sát hành trình của 2 xe ô tô để gửi giám định thì mới có cơ sở khoa học để kết luận, khẳng định xe ô tô của Hùng có dừng đỗ hay không.
Thứ tư: Theo tính toán số học, tài xe xe 16 chỗ khai đi với tốc độ 80km/h, và cơ quan tố tụng kết luận xe taxi dừng 37s, thì phải mất quãng đường 822m2 mới xảy ra va chạm, mâu thuẫn với khoảng cách 40m như lời khai.
Bên cạnh việc chiếc xe 16 chỗ đã hết hạn lưu hành từ ngày 10-1-2017, thì còn nhiều vi phạm tố tụng khác có thể làm thay đổi bản chất vụ án, nhưng không được CA, VKS xem xét thấu đáo. Hai cấp toà sơ thẩm, phúc thẩm cũng chưa làm rõ được những mâu thuẫn này. Chính vì vậy, sau khi toà tuyên án tù cho tài xế taxi, và án treo cho tài xế xe 16 chỗ gây tai nạn, đã khiến người trong cuộc không tâm phục khẩu phục.