Như đã thông tin ở các video trước, tối ngày 5/3 đã xảy ra vụ cháy nhà xưởng sang chiết gas trái phép rộng khoảng 300m2 ở thôn Đỗ Hà, xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, Hà Nội.
Vụ cháy làm 1 xe bồn chứa khí gas và nhiều bình gas loại 12kg và 42kg bốc cháy, sau đó lan sang nhiều máy móc thiết bị khác như xe máy, quạt, máy bơm…
Do vụ cháy có nhiều khí gas nên công tác chữa cháy rất phức tạp. Phải mất hơn 2 tiếng vất vả, lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an huyện Thường Tín và Công an TP Hà Nội mới dập tắt được đám cháy.
Vụ cháy làm toàn bộ nhà xưởng bị thiêu rụi, đổ sập, 1 người tử vong và 2 người bị thương nặng. Đây là một vụ hỏa hoạn được đánh giá rất nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về cả người và tài sản.
Trao đổi với PV Người đưa tin TV về tính chất vụ việc, Luật sư Phạm Kỳ Dương, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Trọng Đại và Cộng sự cho rằng, theo Nghị định 87/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh khí, thì một trong những điều kiện tiên quyết để thương nhân đủ điều kiện hoạt động kinh doanh khí gas là: “Phải đáp ứng các điều kiện về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật”.
Trong khi đó, nhà xưởng trên của ông L.V.P (trú tại xã Khánh Hà) xây dựng trái phép từ cuối năm 2023 và đã bị UBND xã lập biên bản vi phạm tới 2 lần nhưng không bị tháo dỡ. Sau đó ông M.V.C thuê lại kho xưởng của ông P để thực hiện hành vi sang chiết gas trái phép khi chưa đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định dẫn đến vụ cháy.
Theo đó, có căn cứ xác định hành vi vi phạm trên có dấu hiệu cấu thành tội phạm về tội “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy” quy định tại Điều 313, Bộ Luật hình sự 2015, nên có cơ sở để khởi tố vụ án để điều tra.
Cũng theo Luật sư Dương, vấn đề trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước tại địa bàn trong vụ việc này cũng cần phải được xem xét kịp thời, khi để cơ sở hoạt động trái phép gây hậu quả nghiêm trọng.
Hình ảnh PV Người đưa tin TV ghi nhận vào năm 2020 cho thấy, khu vực nhà xưởng trước bị cháy chỉ là cánh đồng ruộng trồng hoa màu. Sau đó, một số đối tượng đã ngang nhiên đổ hàng vạn m3 chất thải xây dựng để tạo mặt bằng. Thế nhưng, UBND xã Khánh Hà lại không có biện pháp ngăn chặn, xử lý triệt để.
Đến năm 2023, cả ngàn m2 đất ruộng đã “biến mất”, thay vào đó là khu đất đã được quây tôn để sử dụng sai mục đích. Thậm chí, có khoảng 300m2 được đổ cốt nền bê tông rồi xây dựng thành nhà xưởng, được đấu nối điện để sản xuất kinh doanh.
Một chuỗi dấu hiệu vi phạm diễn ra trong nhiều năm, dù UBND xã Khánh Hà biết và đã 2 lần lập biên bản vi phạm nhưng không xử lý triệt để. Đến khi vụ hỏa hoạn nghiêm trọng xảy ra thì cả Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hà là ông Nguyễn Viết Bình và ông Dương Thanh Tuấn vẫn khẳng định đây không phải là cơ sở chiết nạp gas.
Dù UBND xã có biết hay cố tình không biết về cơ sở chiết nạp gas này thì trách nhiệm quản lý địa bàn của các vị lãnh đạo xã là khó tránh khỏi. Bởi nếu vi phạm trên được xử lý triệt để thì có lẽ vụ cháy thương tâm đã không xảy ra, không có ai bị thương vong.
Không chỉ chậm trễ xử lý vi phạm đối với nhà xưởng trên, theo nghiên cứu, tìm hiểu của PV, năm 2021 Uỷ ban Kiểm tra huyện Thường Tín còn có Kết luận đối với 7 công trình vi phạm khác tại cùng khu vực này và buộc phải tháo dỡ, di dời. Tuy nhiên đến nay, UBND xã Khánh Hà vẫn chưa thực hiện chỉ đạo của cấp trên, để những công trình này ngang nhiên tồn tại suốt nhiều năm qua.
Theo quan sát của PV, mỗi nhà xưởng này rộng đến vài trăm m2, đều xây dựng trái phép, kinh doanh, sản xuất các mặt hàng như nhựa, vải, kho bãi… tất cả đều không đảm bảo về môi trường và PCCC…
Trước cửa các nhà xưởng có cả chục tấn rác thải dễ cháy được chất ngổn ngang, kéo dài tràn xuống bờ sông Nhuệ vốn đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Rác nhiều đến nỗi người ta phải đốt cả ngày lẫn đêm, gây ô nhiễm môi trường. Nếu không may lửa bén vào các nhà xưởng gần đó thì hậu quả sẽ là rất lớn.
Những vấn đề tồn tại trên không chỉ báo động về tình trạng vi phạm đất đai, môi trường, xây dựng nghiêm trọng kéo dài trên địa bàn mà còn cho thấy UBND xã Khánh Hà đang có dấu hiệu buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, xem nhẹ quy định pháp luật và chỉ đạo của cấp trên trong suốt một thời gian dài.
Nếu UBND huyện Thường Tín và UBND TP Hà Nội không thanh kiểm tra, xem xét trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND xã Khánh Hà và cán bộ liên quan để làm gương, đồng thời chỉ đạo xử lý dứt điểm những vi phạm trên thì hậu quả sẽ khôn lường.