Được biết, khoảng 2h sáng ngày 6/10, tại công trường xây dựng thủy điện Nậm Củm 3, xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, Lai Châu đã xảy ra vụ sập hầm khiến 2 người chết. Nạn nhân là anh Lưu Đình T (43 tuổi, quê ở Bắc Kạn) và anh Phàn Văn L (28 tuổi, quê ở Hà Giang).
Ông Kiều Hải Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho biết, thời gian qua, trên địa bàn huyện mưa không nhiều. Thời điểm xảy ra sự cố, các công nhân đang khoan hầm thủy điện. Ngay sau đó, 2 người bị nạn được đưa về bệnh viện huyện cấp cứu nhưng không qua khỏi.
Dự án thủy điện Nậm Củm 3 có công suất 35MW, do Cty CP Phát triển điện Mường Tè làm chủ đầu tư. Đơn vị thi công là Cty CP Phát triển đầu tư xây dựng Việt Nam (Vinadic), thuộc Tập đoàn AMACCAO. Người đại diện pháp luật là ông Tô Văn Nam (SN 1969).
Trao đổi với PV Người đưa tin TV về vụ việc, Luật sư Nguyễn Thị Minh Yến, Công ty Luật TNHH Gia Võ (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng: “Cơ quan chức năng cần làm rõ nguyên nhân xảy ra vụ việc và trách nhiệm của nhà đầu tư, đơn vị tư vấn giám sát, thi công, nhà thầu, ban quản lý dự án…
Đồng thời, cần làm rõ việc, hai công nhân tử vong ở thời điểm đang thi công dự án đã có hợp đồng lao động với nhà thầu thi công là Cty CP Phát triển đầu tư xây dựng Việt Nam hay chưa? Cũng như việc họ có đủ chuyên môn kỹ thuật, có được trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động không để xem xét trách nhiệm đối với đơn vị quản lý lao động.”
Luật sư Yến cho biết thêm: “Nếu đơn vị thi công, người giám sát đối với khu thi công hầm mỏ này không đảm bảo an toàn lao động, không thực hiện đầy đủ các biện pháp để xảy ra vụ tai nạn này thì cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự theo Điều 295, Bộ Luật Hình sự năm 2015 về tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người".
Cụ thể, vụ việc này có 2 công nhân tử vong thì căn cứ vào Khoản 2, Điều 295 BLHS quy định:
"2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
d) Là người có trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người.".
Trường hợp người lao động bị tai nạn và tử vong trong quá trình làm việc theo quy định Điều 12, Nghị định 45/2013/NĐ-CP sẽ được người sử dụng lao động bồi thường theo quy định tại Khoản 4, Khoản 5, Khoản 7, Điều 38, Luật An toàn vệ sinh lao động 2015.
Điều 38. Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bênh nghề nghiệp
Người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:
“4. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:
a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5 % đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;
b) Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
5. Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 4 Điều này với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng;
7. Thực hiện bồi thường, trợ cấp đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động hoặc kể từ ngày Đoàn điều tra tai nạn lao động công bố biên bản điều tra tai nạn lao động đối với các vụ tai nạn lao động chết người.".