Sau đại dịch Covid, du lịch Vũng Tàu là một trong những ngành kinh tế hồi phục mạnh mẽ, ấn tượng, góp phần khẳng định du lịch là ngành kinh tế quan trọng của quốc gia, trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch trong nước và khu vực.
Năm 2022, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đứng đầu cả nước về tốc độ phục hồi du lịch nội địa với hơn 12,6 triệu lượt khách, tăng 282% so với năm 2021. Trong đó, tổng lượt khách lưu trú tại các cơ sở lưu trú du lịch đạt hơn 3,8 triệu lượt, tăng 182% so với năm 2021. Trong đó, chỉ riêng TP. Vũng Tàu đã đón và phục vụ khoảng 6,2 triệu lượt khách; với hơn 2 triệu lượt khách lưu trú, tổng doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 8.111 tỷ đồng tăng 46,75% so với cùng kỳ khi chưa có dịch, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt hơn 36.000 tỷ đồng.
Trong năm qua, UBND TP.Vũng Tàu đã triển khai nhiều chương trình, giải pháp kích cầu, tổ chức nhiều sự kiện để phục vụ nhân dân và du khách. Nhiều hoạt động văn hóa - thể thao, xã hội đã tạo thành điểm nhấn cho địa phương như: Lễ hội Nghinh Ông-Thắng Tam; Lễ hội Trùng Cửu-Long Sơn; lễ Giỗ tổ Hùng Vương đền Mẫu Cửu, các giải thường niên như Giải Lân sư rồng; Giải Diều quốc tế thiết lập kỷ lục Việt Nam; Giải đi bộ leo núi thành phố Vũng Tàu; Chương trình âm nhạc đường phố ...và hàng loạt hoạt động khác, qua đó quảng bá hình ảnh, giới thiệu điểm đến và sản phẩm du lịch của thành phố, đồng thời đem đến nhiều cung bậc trải nghiệm cho du khách và người dân địa phương. Năm 2022, TP.Vũng Tàu được vinh danh là thành phố duy nhất của Việt Nam lần thứ 2 liên tiếp nhận giải thưởng Thành phố du lịch Sạch ASEAN do tổ chức Diễn đàn Du lịch ASEAN bình chọn.
Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục kêu gọi đầu tư, kết hợp giới thiệu tuyên truyền quảng bá, phát triển du lịch Vũng Tàu xứng tầm là thành phố du lịch quốc tế theo định hướng tại Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hiện nay, TP. Vũng Tàu có khoảng hơn 1.200 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch, trong đó có 14 cơ sở lưu trú cao cấp. Các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục chú trọng đổi mới các sản phẩm, dịch vụ, thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho du khách, tổ chức các chương trình kích cầu du lịch…
Định hướng phát triển ngành Du lịch trong thời gian tới, lãnh đạo TP Vũng Tàu cho biết, địa phương ưu tiên dành quỹ đất có vị trí thuận lợi để thu hút đầu tư những tổ hợp du lịch quy mô lớn, với các thương hiệu du lịch quốc tế cao cấp nhằm hiện thực hóa chiến lược phát triển thương hiệu du lịch thành phố Vũng Tàu theo hướng nâng cao chất lượng trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, ngành Du lịch tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các chính sách, biện pháp kích cầu bằng việc tổ chức các sự kiện như: Chương trình âm nhạc đường phố, chương trình leo núi, xe đạp, thể thao biển cuối tuần..., tập trung thúc đẩy phát triển các loại hình du lịch gồm: Du lịch nghỉ dưỡng biển; du lịch hội nghị, hội thảo; du lịch sinh thái; du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch cộng đồng; du lịch gắn với hoạt động thể dục, thể thao, vui chơi giải trí và du lịch khám chữa bệnh. Đồng thời, vận động các doanh nghiệp du lịch chủ động đầu tư, nâng cao chất lượng; đa dạng các sản phẩm, loại hình dịch vụ tại cơ sở… Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh phục vụ khách du lịch dịp lễ, Tết, cao điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
Năm 2023, TP.Vũng Tàu đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng vượt bậc so với năm 2022, doanh thu từ dịch vụ lưu trú ăn uống đạt 8.560 tỷ đồng, tăng 5,54%, số lượt du khách du lịch qua đêm dự kiến đạt 2,390 triệu lượt, tăng 18,49%. Theo báo cáo của UBND TP, ngành du lịch địa phương này đang phục hồi mạnh mẽ và tăng trưởng nhanh chóng sau ảnh hưởng của dịch bệnh, đây là tín hiệu lạc quan, tạo động lực để ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố lấy đà tăng trưởng như trước khi có dịch, là tiền đề để tiếp tục phát triển và bền vững trong những năm tiếp theo.