Như đã thông tin trong loạt bài phóng sự đã đăng tải: Anh Nguyễn Văn Quý (tên gọi khác là Quyền) sinh sống trên thửa đất Gò Mả Ôi thuộc phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, từ nhỏ. Theo các tài liệu, hồ sơ của Sở TNMT và UBND TP Hà Nội, đây là thửa đất bố mẹ anh Quý khai hoang từ xưa. Anh Quý cũng lấy vợ, đẻ con và chăn nuôi, làm kinh tế ở đây. Ngoài vợ chồng anh và con cái, không có ai khác sinh sống, chiếm hữu thực tế thửa đất này. Khi phát hiện thửa đất mình sinh sống ổn định từ xưa đến nay đã được cấp “sổ đỏ” cho các cá nhân khác, anh Quý đã làm đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng, đồng thời làm đơn tố cáo bà Nguyễn Thị Kim Oanh (Trưởng phòng TNMT) và ông Nguyễn Kim Vinh, PCT UBND quận Bắc Từ Liêm cấp “sổ đỏ” trái pháp luật.
Theo quy định pháp luật, tranh chấp đất đai đã có “sổ đỏ” thì thẩm quyền giải quyết thuộc về toà án nhân dân. Nhưng phía những người có “sổ đỏ” không ai khởi kiện ra toà án. Thay vì đó, dân anh chị sử dụng bạo lực để giải quyết.
Lực lượng công an phường Đông Ngạc đã nhiều lần phải xuống hiện trường ngăn chặn các đối tượng xã hội để đảm bảo ANTT. Đáng chú ý trong vụ việc này, là có sự tham gia của đối tượng tự nhận là luật sư, nhưng biến chất, hiểu biết pháp luật hạn chế và thiếu thượng tôn pháp luật. Xuất hiện cùng người tự xưng luật sư này là hàng loạt dân anh chị người đầy mực, có “máu mặt” ở địa phương.
Một thực tế phải ghi nhận, nếu không có sự cố gắng và quyết tâm ngăn chặn của công an phường Đông Ngạc, thì có thể gia đình anh Quý đã bị “bốc” ra đường bằng con đường bạo lực.
Không hiểu đằng sau nhóm dân anh chị này là ai, mà mặc dù đã được công an phường Đông Ngạc nhiều lần ngăn chặn, yêu cầu ký biên bản đảm bảo ANTT địa phương, thì nhóm này vẫn ký, nhưng không chấp hành.
Truyền hình Người đưa tin pháp luật ghi nhận tổng cộng 5 lần dân anh chị đến khu đất gia đình anh Quý chiếm hữu thực tế từ xưa đến nay. Nhóm dân anh chị có hành vi gây mất ANTT hay không, có xâm phạm chỗ ở trái phép hay không, có huỷ hoại tài sản công dân hay không, chỉ cần qua những video này, thì những người có nhận thức pháp luật tối thiểu cũng có thể đánh giá được.
Thế nên, sau 60 ngày, kể từ ngày Công an Bắc Từ Liêm bắt giữ khẩn cấp gần 20 đối tượng, đơn vị này không phát hiện dấu hiệu tội phạm và không khởi tố vụ án hình sự, thực sự là điều bất ngờ với dư luận.
Cũng không hiểu, nếu không có dấu hiệu phạm tội, thì vì sao Công an quận Bắc Từ Liêm phải bắt khẩn cấp? Vì sao lại phải đề nghị cơ quan chuyên môn định giá thiệt hại tài sản? Rồi khi có kết quả định giá, lại kéo dài thời gian điều tra tới 60 ngày và quyết định không khởi tố vụ án hình sự?
Một vụ việc khác ở phường Tây Tựu cũng có tính chất gần tương tự vụ việc này, và CA Bắc Từ Liêm cũng vừa gia hạn điều tra với lý do đợi kết quả định giá thiệt hại tài sản.
Nếu những vụ việc như thế này đều được CA Bắc Từ Liêm kết luận “không có dấu hiệu phạm tội”, sẽ tạo một tiền lệ xấu ở địa phương. Sẽ ra sao nếu các trường hợp khác, có “sổ đỏ” được cấp trái pháp luật, khi có tranh chấp nhưng không nhờ toà án, mà đều sử dụng bạo lực để giải quyết?
Ngày 29/9/2020, ông Lê Đức Hùng, Trưởng CA quận Bắc Từ Liêm đã thụ lý đơn khiếu nại quyết định không khởi tố vụ án hình sự của anh Quý.
Ở một diễn biến khác, anh Quý đã có đơn tố cáo gửi đến Viện trưởng VKSND TP Hà Nội và tân Giám đốc CATP Hà Nội về vụ việc trên, vì theo chia sẻ, anh Quý đã mất niềm tin với một số cán bộ phường, quận.
Theo thông tin báo chí, ngày 3/10/2020, ông Lê Đức Hùng, Trưởng CA quận Bắc Từ Liêm được UBND TP Hà Nội vinh danh là “công dân Thủ đô ưu tú” trong khuôn khổ đại hội thi đua yêu nước.