Nỗi bất hạnh của người mẹ có hai con ruột mâu thuẫn, kéo nhau ra công đường

05/02/2024 19:48

Theo dõi trên

Xét thấy có tình tiết mới liên quan đến vụ án, Hội đồng xét xử (HĐXX), Tòa án nhân dân (TAND) huyện Thường Tín (TP Hà Nội), đã trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung vụ “Cố ý gây thương tích” xảy ra giữa 2 chị em ruột.

 

Sau lần tạm hoãn ngày 08/12/2023, ngày 26/01/2024, TAND huyện Thường Tín (TP Hà Nội), mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với ông Nguyễn Trọng Việt (SN 1982, HKTT phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội), về tội “Cố ý gây thương tích”, quy định tại Khoản 1, Điều 134 Bộ luật Hình sự.

Người bị hại là bà Nguyễn Thị Bích Nhung (SN 1976, HKTT phường Mai Động, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội), là chị gái của ông Việt.

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) huyện Thường Tín, ngày 13/03/2023 tại Công ty Cổ phần Dược phẩm QD - Meliphar ở huyện Thường Tín, do có mâu thuẫn lời qua tiếng lại với bà Nhung, nên ông Việt đã có hành vi dùng chân đạp vào bên phải người bà Nhung, làm bà Nhung bị gãy xương 3, 4 bàn tay trái.

Ngày 28/03/2023, bà Nhung có đơn trình báo đến Công an huyện Thường Tín đề nghị xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.

Qua giám định, tỷ lệ tổn thương cơ thể của bà Nhung là 10%.

z5113404453910-e898a7dc0e1db8487e830e49722ae673-1706420071.jpg
VKSND huyện Thường Tín truy tố ông Nguyễn Trọng Việt về tội “Cố ý gây thương tích”, quy định tại Khoản 1, Điều 134 Bộ luật Hình sự

Biên bản làm việc ngày 14/05/2023, UBND xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội, cung cấp thông tin, bà Nhung là đối tượng khuyết tật, được hưởng trợ cấp xã hội, thuộc trường hợp đối tượng người khuyết tật nặng.

VKSND huyện Thường Tín truy tố ông Nguyễn Trọng Việt về tội “Cố ý gây thương tích”, quy định tại Khoản 1, Điều 134 Bộ luật Hình sự.

Nhận thấy việc UBND xã Đông Sơn chứng nhận bà Nhung là đối tượng khuyết tật nặng là không chính xác, có dấu hiệu làm giả giấy tờ, nên luật sư của ông Việt đã có đơn tố giác hành vi giả mạo trong công tác của một số nguyên lãnh đạo, cán bộ  UBND xã Đông Sơn đến Công an huyện Chương Mỹ.

Bà Trần Thị Lịch (mẹ ruột của bà Nhung và ông Việt) cũng có văn bản thừa nhận việc đánh giá mức độ khuyết tật của UBND xã Đông Sơn là không đúng sự thật.

z5113404458416-3dd1bc13771a5564d7749f0a9b453c02-1706420071.jpg
Theo cáo trạng, bà Nhung là đối tượng người khuyết tật nặng

Ngày 23/10/2023, Cơ quan CSĐT - CA huyện Chương Mỹ đã có văn bản trả lời cơ quan báo chí về việc phúc đáp theo đơn của công dân.

Văn bản nêu rõ: Cơ quan CSĐT - CA huyện Chương Mỹ đã ra quyết định thụ lý theo thủ tục tố giác về tội phạm “Giả mạo trong công tác” và “Không tố giác tội phạm”. VKSND huyện Chương Mỹ đã ra quyết định phân công lãnh đạo, kiểm sát viên, kiểm sát thụ lý đối với đơn tố giác.

Qua xác minh sơ bộ, xác định: Ngày 26/10/2016, ông Trịnh Xuân Bền, Chủ tịch UBND xã Đông Sơn ký cấp 01 Giấy chứng nhận khuyết tật cho bà Nhung, là khuyết tật vận động, mức độ nặng. Cùng ngày ông Trịnh Xuân Bền còn ký 01 giấy xác nhận cho bà Nhung, theo đề nghị của ông Trịnh Văn Thắng (Cán bộ Lao động thương binh xã hội xã Đông Sơn), ở giấy xác nhận này ghi thêm mức độ suy giảm khả năng lao động; mất khả năng lao động tay chân do bị liệt (xác nhận có chữ ký của ông Bền và ông Thắng).

Hiện nay Cơ quan CSĐT - Công an huyện Chương Mỹ đang tiếp tục xác minh làm rõ để thu giữ 02 giấy xác nhận trên phục vụ công tác giám định tài liệu. Đồng thời, có văn bản gửi Phòng Lao động Thương binh xã hội huyện Chương Mỹ thẩm định hồ sơ xác định việc ghi thêm mục mất khả năng lao động chân, tay do bị liệt có làm  thay đổi việc công nhận mức độ khuyết tật của bà Nhung hay không? Quy trình cấp giấy chứng nhận khuyết tật cho bà Nhung có đảm bảo theo quy định không?

z5129534130446-466268e61a6a18dbe82c6d8710fab34d-1706857099.jpg
Nhiều video ghi lại cảnh sinh hoạt hàng ngày cho thấy, bà Nhung có thể thực hiện tốt nhiều việc mà không cần sự trợ giúp của người khác

Theo quan điểm của luật sư bào chữa cho ông Việt, để có cơ sở khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can theo điểm c khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự, CQĐT và VKS đã căn cứ vào Giấy xác nhận khuyết tật do UBND xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ để xác định bà Nhung là người không có khả năng tự vệ. Tuy nhiên, các tài liệu liên quan đến việc xác nhận khuyết tật của bà Nhung có dấu hiệu cấp sai, không đúng quy định nên không đảm bảo thuộc tính của chứng cứ.

Hành vi của ông Việt đạp vào người bà Nhung gây tổn hại sức khỏe theo Kết luận giám định là 10%, mặc dù bà Nhung có đơn yêu cầu khởi tố nhưng hậu quả xảy ra chưa đủ yếu tố cấu thành tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 1 Điều 134 BLHS. Vì vậy, cần thiết trả hồ sơ để điều tra bổ sung, trưng cầu giám định y khoa đối với bà Nhung để làm rõ mức độ khuyết tật, có như vậy mới đảm bảo việc xét xử khách quan, đúng pháp luật. 

z5113404435252-6b45b4ab5fc31ec9b8d96357d399b0fe-1706420071.jpg
Theo nhiều tài liệu thể hiện, việc xác nhận khuyết tật của bà Nhung có dấu hiệu cấp sai, không đúng quy định

Tại phiên tòa, các luật sư bào chữa cho ông Việt đã cung cấp nhiều tình tiết mới quan trọng, trong đó có thông báo về việc Công an huyện Chương Mỹ đang tiếp nhận, xác minh, giải quyết tin báo tố giác tội phạm liên quan đến giấy chứng nhận khuyết tật của bà Nguyễn Thị Bích Nhung. 

Cũng tại phiên tòa, Đại diện VKSND huyện Thường Tín đã chủ động xin rút hồ sơ để làm rõ những tình tiết quan trọng liên quan đến vụ án này.

Xét thấy có nhiều tình tiết mới liên quan đến vụ án, Thẩm phán Đoàn Lan Hương, Chủ tọa phiên tòa đã ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo quy định của pháp luật.

z5113404470620-802e624ff99c0befcb7050e8d4efaa38-1706420071.jpg
HĐXX quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo quy định của pháp luật

Liên quan đến vụ án, luật sư cho rằng, HĐXX TAND huyện Thường Tín quyết định trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung là tín hiệu tốt, đảm bảo việc chứng minh tội phạm được chính xác và khách quan, từ đó bảo vệ công lý, công bằng và tránh được oan sai. 

Thiết nghĩ, trong vụ việc này, từ mâu thuẫn gia đình, 2 chị em ruột đã phải ra tòa giải quyết với thân phận bị cáo và bị hại là điều không ai mong muốn. Các cụ đã có câu "Một giọt máu đào hơn ao nước lã”, dù mâu thuẫn ở mức độ nào đã là máu mủ ruột rà, cũng cần phải có trách nhiệm với nhau để tìm ra hướng giải quyết tốt nhất, đừng vì chút mâu thuẫn trong cuộc sống mà có thể cư xử thù nghịch, sẽ càng khoét sâu sự thù hận và những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong vụ việc này không ai khác là người mẹ già và những thế hệ tương lai của gia đình. Người mẹ già ấy đã và đang phải chịu đựng nỗi đau đớn tột cùng, khóc cạn nước mắt trước nỗi bất hạnh của gia đình khi hai người con ruột phải "đáo tụng đình” chỉ vì mâu thuẫn không thể hòa giải được.

Phong Hào
Bạn đang đọc bài viết "Nỗi bất hạnh của người mẹ có hai con ruột mâu thuẫn, kéo nhau ra công đường" tại chuyên mục Nghiên cứu - Trao đổi. Hotline: 088 888 2323 - 0986 836 036

Quý đơn vị có nhu cầu quảng cáo vui lòng liên hệ hotline 0986.836.036