Chùa Thầy và giải pháp phát triển du lịch tâm linh song song việc bảo vệ môi trường

14/12/2023 16:10

Theo dõi trên

Phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường là nguyên tắc cơ bản để phát triển ngành du lịch ở nước ta. Thế nhưng, ở một số địa phương vẫn còn để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường từ các khu du lịch, ảnh hướng đến cuộc sống người dân.

Chùa Thiên Phúc Tự hay còn gọi là chùa Thầy, nằm dưới chân núi Sài Sơn (thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội), được nổi tiếng một trong những ngôi chùa cổ của Bắc Bộ, lưu giữ những giá trị văn hóa, tâm linh và lịch sử lâu đời. Hàng năm, có hàng vạn du khách từ khắp nơi trong cả nước về tham quan vãn cảnh. Đầu năm 2023, chùa Thầy được công nhận là điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt.

Lượng du khách đổ về ngày càng đông, kéo theo nhiều hệ lụy phát sinh, nên chùa Thầy không thể tránh khỏi những đơn từ, khiếu nại từ nhân dân trong khu vực.

Thời gian qua, một số người dân, trú tại xóm Chùa, thôn Đa Phúc, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội, đã gửi đơn kiến nghị đến chính quyền các cấp về việc hệ thống nhà vệ sinh của chùa Thầy bốc mùi hôi, gây mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống xung quanh.

z4948080360515-d0cf67ac570b257405a5668d15b78954-1701846175.jpg
Chùa Thiên Phúc Tự (chùa Thầy), một ngôi chùa cổ nổi tiếng ở Bắc Bộ

Người dân sống gần công trình vệ sinh của chùa Thầy, kể: “Từ năm 1994, các cụ cho 2 vợ chồng tôi lên đây ở, đất của chùa Thầy và đất của nhà tôi là liền kề nhau. Lúc bấy giờ có nhà sư Thích Minh Hiển làm trụ trì, giữa nhà chùa và gia đình sống gần gũi như hàng xóm láng giềng. Thậm chí khi nhà chùa mở lớp Hạ (lớp tu), thiếu nước sinh hoạt, gia đình đã đặt máy bơm nước 24/24h, bơm nước từ nhà sang cho nhà chùa dùng để phục vụ lớp Hạ, gia đình luôn có cái tâm hướng về nhà chùa. Vì giáp ranh với nhà tôi, nên nhà chùa rất muốn mua thêm đất để sử sang công trình nhà vệ sinh. Nên đã nhiều lần nhà chùa sang đặt vấn đề để mua đất, hầu như năm nào cũng có người sang gạ gẫm mua đất của gia đình cho nhà chùa. Nhưng quan điểm của gia đình là không cần tiền mà chỉ cần đất ở. Nhà chùa thì lại muốn mua tất đất nhà tôi, nhưng với giá rất rẻ”.

“Chúng tôi vẫn biết gần chùa mà ý kiến này nọ sẽ không hay, thế nhưng không hiểu sao nhà chùa ở bên kia còn đất mà không chuyển công trình vệ sinh sang đấy, cứ xây sát nhà tôi, để rồi công trình thiếu đất để sang sửa lại muốn mua đất nhà tôi, nhiều lần sang đặt vấn đề hỏi mua đất từ 2004 đến nay. Tôi cũng để cho chùa một diện tích đất sát nhà chùa để nhà chùa lấy sửa công trình vệ sinh. Nhưng nhà chùa lại muốn mua tất đất nhà tôi cơ, nhưng mua tất thì nhà tôi không đủ tiền mua chỗ khác, vì thế nhà tôi không đồng ý”.

z4948080361756-408be0d7c512cfba2c6d64ab2ef69a0b-1701846175.jpg
Người dân kiến nghị hệ thống nhà vệ sinh của chùa Thầy gây mất vệ sinh môi trường

“Một thời gian sau không hiểu sao nhà chùa lại thay đổi. Tức là cái hố ga của nhà chùa lại mở nắp ra, xong lắp thêm 2 cái quạt điện cơ thổi mùi hôi ở hố gas và nhà vệ sinh thẳng qua nhà tôi. Ngoài ra còn có 7 ống hút khí bẩn, 3 quạt trời chỉa thẳng sang phía nhà tôi. Từ bấy giờ nhà tôi liên tục mắc bệnh, nhưng không dám kêu ca gì cả, vẫn cứ cố chịu và đun nước xông nhà cho đỡ mùi. Nhưng ngày càng nặng không chịu nổi, buộc gia đình phải phản ánh đến chủ tịch huyện Quốc Oai”.

Ngày 30/6/2023, Phòng TNMT huyện Quốc Oai đã phối hợp với UBND xã Sài Sơn tiến hành kiểm tra hiện trạng khu vực nhà vệ sinh của chùa Thầy. 

Theo biên bản kiểm tra của phòng TNMT huyện Quốc Oai, tại thời điểm kiểm tra có mùi hôi phát sinh từ rãnh thoát nước nhà vệ sinh của nhà chùa. Đề nghị nhà chùa dừng sử dụng quạt hút mùi từ nhà vệ sinh của nhà chùa sang nhà dân, đồng thời khắc phục việc phát sinh mùi từ nhà vệ sinh.

z4948080253401-305c60bd7446d6a0e2df221a5a6699b8-1701846174.jpg
Biên bản kiểm tra của phòng TNMT huyện Quốc Oai, thể hiện mùi hôi phát ra từ phía nhà vệ sinh của chùa

Người dân sống gần nhà vệ sinh của chùa Thầy, cho hay: “Ông Chủ tịch huyện rất tốt, báo cáo cái là ông chỉ đạo Trưởng phòng TNMT về kiểm tra và lập biên bản luôn. Nhưng sau khi cán bộ về thì nhà chùa lại bật quạt tiếp để thổi mùi hôi sang nhà tôi. Lúc đấy tôi cũng nghĩ thôi, gần chùa chiền mình cố gắng làm phúc, cứ chịu khó khắc phục và đun nước xông nhà từ bấy giờ cho đỡ bệnh về hô hấp.

Nhưng đến giữa tháng 7/2023, tôi thấy mùi hương nồng nặc, lên trần nhà thì phát hiện nhà chùa đang thắp hương bên đất nhà tôi, để làm bùa hại nhà tôi. Sau đó tôi làm đơn gửi lên UBND xã Sài Sơn".

z4948080320911-7d7f7078f0976854590b35fb99f3b77b-1701846175.jpg
Hình ảnh quạt cơ đặt gần bể phốt nhà chùa

Ngày 1/8/2023, UBND xã Sài Sơn đã mời các bên liên quan đến làm việc theo đơn kiến nghị của công dân. 

Tại trụ sở Ủy ban, Nhà sư Thích Đạo Vĩnh, đại diện chùa Thầy bày tỏ quan điểm: “Theo đơn của anh chị đây, hoàn toàn không đúng một cái gì cả. Ngay sau khi phòng môi trường kiểm tra, nhà chùa đã cho người tháo luôn 2 cái quạt đó rồi. Còn việc bùa bả thì nhà chùa đi tu thì không bao giờ làm bùa, làm bả gì và rất ghét cái chuyện bùa bả. Còn hôm thắp hương thì sự thực nhà chùa không biết, đấy là anh Lợi, lợp tôn cho chùa, anh ý cắm hương đuổi ong thôi. Đường đi thì chả chung chạ, cuộc sống chả ảnh hưởng nhau thì nhà chùa yểm bùa anh chị làm cái gì, chẳng may bên kia có mệnh hệ gì nhà chùa thiệt đầu tiên, bởi vì ít ra cũng phải có nén hương với cái phong bì sang. Nhà chùa khẳng định cái này là các anh chị vu khống. Anh chị bảo nhà chùa làm vậy để cố tình ép mua rẻ đất nhà anh chị, thì thực sự đến hôm nay, nhà chùa không có ý đồ mua đất. Cái khu vệ sinh thực tế cả thế giới đi vào, nó phục vụ cho cả thế giới, nhà chùa đã làm hết sức rồi, không thể khắc phục được nữa”.

z4948080310118-4bef0a1ed9b653c93cec798229465ae9-1701846174.jpg
Đại diện chùa Thầy cho rằng đơn kiến nghị của người dân hoàn toàn không đúng

Phản hồi lại quan điểm trên, người dân sống sát nhà vệ sinh của chùa cho rằng: “Tôi thấy rất buồn với nhà chùa, biên bản của ông Trưởng phòng TNMT huyện vẫn còn đó, xác nhận ô nhiễm như vậy rồi, mà nhà chùa phủi trách nhiệm. Nhà tôi vẫn còn giấy mua đất đây, mà ông Thích Đạo Vĩnh lại nói nhà chùa không mua đất nhà tôi”.

z4948080295288-19bf64477f9d82ec77486d8119402c87-1701846175.jpg
Giấy chuyển nhượng đất giữa người dân và nhà chùa

Ngày 06/10/203, UBND xã Sài Sơn ra văn bản trả lời đơn của công dân. Văn bản thể hiện, thời điểm UBND xã kiểm tra toàn bộ hệ thống thông hơi từ bể phốt đã được nhà chùa cắt bỏ, không chạy ra ngoài tường công trình vệ sinh giáp ranh nhà dân, hệ thống thông hơi đã được đấu nối ở bên trong nhà vệ sinh nhà chùa, quạt thông gió trong nhà khu vệ sinh hút lên trời, nhà chùa đã cắt bỏ nguồn điện, lấy gió tự nhiên.

Thời điểm mở lớp Hạ (lớp tu), tập trung đông sư thì xã không đến kiểm tra, mà lúc chùa vắng người thì xã lại đến kiểm tra. Thời điểm đó, đầu dưới nhà tôi nhà chùa để 7 ống hút khí bẩn và 2 quạt cơ, còn đầu trên là 4 ống, 3 quạt hút khí sang nhà tôi, để suốt 20 năm nay rồi. Cuộc kiểm tra này tôi phát hiện bất thường, theo lịch kiểm tra của xã là 2h chiều, trước đó 11h trưa, nhà chùa đã cho người lên tháo bớt ống hút khí bẩn sang nhà tôi, cứ tưởng nhà tôi không biết, nhưng 6 cái camera nhà tôi quay lại hết. Sau đó xã đến kiểm tra và ra văn bản trả lời tôi như thế, tôi thấy xã đang bao che trắng trợn cho việc sai của nhà chùa. Ông Thích Minh Hiển (trụ trì) và ông Thích Đạo Vĩnh làm những việc trên mục đích muốn gia đình tôi không ở nổi đất này, phải bán rẻ cho nhà chùa”, người dân bức xúc.

z4948080341638-90e35aa6f65286a7b35dd854ee560d9d-1701846175.jpg
Hình ảnh có người tháo ống hút khí trước khi đoàn kiểm tra của xã đến

Người dân còn cho biết: “Số lượng khách đến tới hàng vạn người, công trình vệ sinh của nhà chùa như xã công nhận là chứa 50m3. Tôi đang đặt vấn đề nghi vấn về công trình vệ sinh, ví dụ 1 người trung bình thải ra tầm 2 lít/ ngày, thì tới hàng vạn người thì bể phốt này có chịu nổi không”.

“Gia đình tôi từ trước đến nay luôn hướng về tâm linh, cửa phật, không gian dối, làm chuyện thất đức. Tuy nhiên, hiện nay sức khỏe và tính mạng của cả nhà tôi bị ảnh hưởng, nên tôi tha thiết cầu cứu các cơ quan chức năng vào cuộc, cứu lấy gia đình tôi”, người dân bày tỏ nguyện vọng.

z4948080170704-e5bf6590c66eed400813b54feba1c931-1701846174.jpg
Để giảm mùi hôi, người dân liên tục xông dấm

Một ngôi chùa cổ lưu giữ nhiều giá trị tâm linh và lịch sự, vừa được công nhận là điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt, chùa Thầy có hàng vạn khách du lịch tứ phương đổ về trong năm. Với lượng khách lớn như vậy, thì hệ thống nhà vệ sinh của nhà chùa sẽ có nguy cơ quá tải, nên người dân phản ánh về vấn đề môi trường từ nhà chùa là có cơ sở.

Để tiếp tục gìn giữ, quảng bá những giá trị văn hoá quý báu tới du khách thập phương, góp phần phát triển KT-XH, UBND huyện Quốc Oai và trụ trì chùa Thiên Phúc Tự (chùa Thầy) cần có phương án xử lý hệ thống nhà vệ sinh của chùa Thầy lại một cách khoa học hơn, đảm bảo khoảng cách với khu dân cư. Đồng thời, chấp hành tốt các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, tránh khiếu kiện kéo dài, ổn định tình hình ANTT địa phương.

Phương án có lẽ hiệu quả và thiết thực nhất lúc này là phía người dân cần có thỏa thuận với nhà chùa và chính quyền địa phương, rằng thời điểm nào không khí bị ô nhiễm nhất thì cùng có mặt ở hiện trường nhà dân để cùng… đánh giá, từ đó đưa ra phương án xử lý hợp tình, hợp lý nhất.

z4948080193067-19bff74cbd76e7c1072a1db462624f87-1701846175.jpg
Đón hàng vạn du khách mỗi năm, hệ thống nhà vệ sinh có nguy cơ quá tải

Phật giáo có câu: 

Nhất niệm sân tâm khởi,

Bách vạn chướng môn khai.

Nhất niệm sân tâm khởi,

Thiêu vạn công đức lâm.

Nghĩa là: Một lần nghĩ đến sự sân hận, trăm điều chướng nghiệp sẽ nảy sinh, một lần nghĩ đến sự sân hận, tiêu tan mọi công đức tu tập. Có lẽ, các phật tử, đặc biệt là những người có chức sắc như Đại đức Thích Minh Hiển sẽ là người hiểu hơn ai hết và sẽ luôn ghi nhớ những lời này. 

Nếu những người ngoài đạo, nhưng tâm vẫn hướng Phật - không đồng ý để mùi hôi thối từ nhà vệ sinh của nhà chùa phát tán sang nhà mình, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày - là mong muốn sai trái, vi phạm đạo đức, là chưa đúng với lời đức Phật vẫn dạy về lòng yêu thương, bao dung, thì Đại đức cũng như các sư thầy trong chùa hoàn toàn có thể ngồi lại giảng giải để người dân hiểu. 

Còn nếu nhà chùa từ một việc nhỏ, bằng một sự vô tình hay hữu ý, làm xa cách mối quan hệ giữa nhà chùa với người dân địa phương, giữa sư thầy với người dân thì cũng tựa như một cơn lửa “sân si” thiêu đốt cả một rừng công đức. 

Phong Hào - Minh Huế
Bạn đang đọc bài viết "Chùa Thầy và giải pháp phát triển du lịch tâm linh song song việc bảo vệ môi trường" tại chuyên mục Nghiên cứu - Trao đổi. Hotline: 088 888 2323 - 0986 836 036

Quý đơn vị có nhu cầu quảng cáo vui lòng liên hệ hotline 0986.836.036