Công tác quản lý về đất đai, môi trường, xây dựng khu vực ven sông ở Đông Anh, Hà Nội: (Bài 2) Cần thanh kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với doanh nghiệp khai thác cát kiểu huỷ hoại môi trường

18/02/2023 14:36

Theo dõi trên

Bờ sông Hồng đoạn qua xã Đại Mạch và xã Võng La, huyện Đông Anh dài chừng 5km, có gần chục bãi cát có dấu hiệu xâm phạm đến bãi bồi ven sông, xe quá tải thì chạy suốt ngày đêm uy hiếp trực tiếp đến hệ thống đê điều khiến tình hình ANTT tại địa phương bị đe dọa. Đã đến lúc UBND và Công an huyện Đông Anh cần thanh kiểm tra, xem xét việc chấp hành pháp luật đối với những đơn vị này.

Theo Nghị định số 23/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng bờ, bãi sông có quy định:

Việc khai thác cát sỏi trên lòng sông phải nằm trong quy hoạch, được cấp có thẩm quyền cấp phép. Chỉ được hoạt động từ 7h sáng đến 17h chiều, không hoạt động vào mùa mưa bão, việc vận chuyển chuyển cát sỏi trên sông phải mang theo hóa đơn, chứng từ chứng minh rõ nguồn gốc cát là hợp pháp.

Cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng tại khu vực đang bị sạt, lở; khu vực đã bị sạt, lở và có nguy cơ tiếp tục bị sạt, lở; khu vực bờ sông không ổn định, có nguy cơ sạt, lở.

Hàng năm, doanh nghiệp phải có báo cáo đánh giá tác động tới cơ quan thẩm quyền, đồng thời phải thực hiện cải tạo, hoàn thổ phục hồi môi trường, đất đai theo quy định…

z3956399782775-375998d99b13cf4e303691c509721fc9-1670919942.jpg
Pháp luật đã quy định rất rõ đối với hoạt động khai thác cát sỏi trên sông

Đối với các bến thủy nội địa, tập kết VLXD thì phải được được có giấy phép thành lập bến thủy nội địa, phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất, hợp đồng thuê đất. Phải lắp bảng thông báo công khai thông tin của bến bãi tập kết cát, sỏi như địa chỉ cung cấp cát, sỏi được tập kết tại bến bãi; lắp đặt trạm cân, camera để giám sát khối lượng cát, sỏi mua - bán tại bến bãi…

Việc kinh doanh, tập kết và vận chuyển cát, sỏi lòng sông phải đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường, nghiêm cấm sử dụng xe quá tải trọng đi trên đê.

z3956399792218-313c76d74120f1a119b5b378776817d2-1670919941.jpg
Dọc tuyến đường đê sông Hồng địa bàn huyện Đông Anh, xe trọng tải lớn bất chấp quy định của pháp luật vẫn ngang nhiên hoạt động

Điều 27 của Nghị định này có quy định về trách nhiệm của Bộ Công an:

Chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị chuyên môn của các bộ, ngành liên quan trong công tác phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép; vận chuyển, tập kết và kinh doanh cát, sỏi không có nguồn gốc hợp pháp tập trung tại các khu vực giáp ranh giữa các địa phương.

Chỉ đạo công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các đơn vị nghiệp vụ tăng cường tuần tra, kiểm tra, thực hiện công tác phòng ngừa, ngăn chặn xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác cát, sỏi theo quy định của pháp luật.

z3956399737620-e9e7fb981db6db8a02d54d9f9cc37a06-1670919941.jpg
Để ngăn chặn hành vi khai thác cát, sỏi trái phép thì vai trò của công an và UBND các cấp là rất quan trọng

Điều 31 có quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện về quản lý cát, sỏi lòng sông trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật. Còn Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phải chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về vấn đề này.

Tuy nhiên, theo khảo sát, nghiên cứu của PV, việc khai thác cát sỏi, tập kết và vận chuyển VLXD ở huyện Đông Anh còn nhiều bất cập.

Cụ thể, mỏ cát của Công ty cổ phần xây dựng và kinh doanh xăng dầu Minh Đạt ở xã Đại Mạch đến tháng 4/2023 là hết hạn nhưng hình ảnh từ trên cao cho thấy hàng chục hecta đất bãi bồi ven bờ sông Hồng đã bị đào bới một cách rất nham nhở tạo thành những ao, hồ lớn, chưa có dấu hiệu của việc phục hồi, cải tạo môi trường. Nhiều vị trí có dấu hiệu đang bị đào, khoét nguy cơ sạt lở bờ sông, đất trồng hoa màu của người dân. 

z3956399841813-3d9587b17fa3a7f9f48e75dd3cc5353d-1670919942.jpg
Đại công trường khai thác cát tại xã Đại Mạch

Còn tại xã Võng La, dù chỉ một đoạn sông ngắn có khoảng 5 bãi cát, bãi tập kết VLXD lớn nhưng hầu hết các bến bãi này như là bến bãi "ma" bởi không có bất kỳ tên, biển hiệu thể hiện đây là của doanh nghiệp hay công ty nào. Có những bãi còn có tấm biển ghi rõ “UBND xã Võng La cấm các phương tiện ô tô, máy xúc ra vào khu vực này”.

Trong khí đó, cả ngày lẫn đêm, hàng chục tàu thuyền trung chuyển vẫn tấp nập vào bến để xuống hàng. Kéo theo đó là cả trăm lượt xe tải loại 4 chân chất đầy có ngọn với trọng tải chừng 30 đến 40 tấn liên tục ra vào “ăn hàng” rồi đi lên đường đê Tả sông Hồng để đưa đi tiêu thụ.

Đường đê Tả sông Hồng có trọng tải tối đa cho phép là không quá 12 tấn vốn đã rất chật hẹp và đang xuống cấp vẫn phải gồng gánh đoàn xe này khiến nhiều đoạn nứt vỡ, xuống cấp.

Để tìm về vấn đề này, PV đã tìm cách liên hệ với ông Phạm Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Võng La, huyện Đông Anh nhiều lần nhưng vị này chưa hồi âm.

z3956399752470-e2abf50cd9898194cc6663e01591508e-1670919942.jpg
Nhiều bãi tập kết VLXD có dấu hiệu trái phép trải dài ven sông Hồng ở xã Võng La

Để pháp luật được thực thi, đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều cũng như chống lãng phí, thất thoát cho ngân sách nhà nước, mong rằng tới đấy UBND và Công an Thành phố Hà Nội sớm vào cuộc và có chỉ đạo để xác minh thanh kiểm tra, làm rõ vấn đề trên.

Người đưa tin TV sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Quốc Long - Phong Hào

Quý đơn vị có nhu cầu quảng cáo vui lòng liên hệ hotline 0986.836.036