"Đất vàng" Cầu Giấy bị sử dụng sai mục đích nhiều năm: Trung tâm quỹ đất đóng vai trò gì?

05/06/2024 15:17

Theo dõi trên

Quận Cầu Giấy, Hà Nội có nhiều lô “đất vàng” bị sử dụng sai mục đích suốt nhiều năm, gây lãng phí tài sản xã hội, tạo nguy cơ tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm. Hầu hết các lô đất này sau khi thu hồi đều được giao Trung tâm phát triển quỹ đất quận Cầu Giấy quản lý. Thế nhưng trách nhiệm của Trung tâm và người đứng đầu Trung tâm thế nào khi có sai phạm phát sinh tại các lô “đất vàng” thì không phải ai cũng tỏ tường.

Lãng phí tài sản xã hội

Ngày 22/02/2023, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định số 1144/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của quận Cầu Giấy.

Theo đó, Trung tâm phát triển quỹ đất Cầu Giấy sẽ tổ chức đấu giá tổng số 30 thửa, gồm: 28 thửa thuộc ô D23; 02 thửa thuộc ô D18, Khu đô thị mới Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy.

Đến nay, 2 thửa đất thuộc ô D18 đã có chủ với giá trị lần lượt là hơn 43 tỷ đồng và hơn 34 tỷ đồng.

Như vậy lô đất D18 sẽ thoát cảnh bị sử dụng sai mục đích suốt nhiều năm qua.

Ngoài 2 thửa đất nêu trên, theo ghi nhận của PV, nhiều vị trí trước đây là các cửa hàng kinh doanh trái phép thuộc ô D18 hầu hết đều đã đóng cửa và dán thông báo chuyển vị trí cơ sở.

Đối với 28 thửa đất thuộc ô D23 thì hiện tại vẫn chưa có thông tin đấu giá. 

Theo ghi nhận của PV, hiện trạng ô đất D23 vẫn đang là bãi trông giữ xe ô tô rộng lớn, cùng với đó là bãi vật liệu đã có từ nhiều năm nay. Phía mặt tiền của ô đất này là hàng loạt cơ sở kinh doanh không phép, được xây dựng thành các lều lán tạm bợ.

Trước đó, năm 2022, UBND quận Cầu Giấy đã ban hành Văn bản số 703/UBND-TNMT, thể hiện: Ô đất D23 Khu đô thị mới Cầu Giấy, xuất hiện một số công trình, gara ô tô, bãi tập kết vật liệu xây dựng, bãi giữ xe phát sinh trong thời gian Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Cầu Giấy được giao quản lý ô đất. Để xảy ra các vi phạm nêu trên thuộc trách nhiệm của Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Cầu Giấy và Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng. 

ca697723-e84c-4bee-ba6d-2c8d305c7490-1717513474.jpg
Ô đất D23 hiện đang là bãi trông giữ xe kèm theo đó là sân tenis, bãi vật liệu xây dựng

Ngoài ra trên địa bàn quận Cầu Giấy còn có một số ô đất khác như, D34 nằm trên phố Hoàng Quán Chi, đây là khu đất được quy hoạch làm trường học, tuy nhiên hiện trạng khu đất này đang là một showroom ô tô rộng hàng ngàn m2.

Trước đó, hình ảnh Người Đưa Tin TV ghi nhận vào năm 2021, ô đất này lại là một bãi trông giữ xe trái phép.

Ô đất QH25, nằm trên phố Nguyễn Chánh với 4 mặt tiền, được biết đây là ô đất thuộc dự án thương mại dịch vụ, thế nhưng hiện trạng bây giờ là một bãi gửi xe rộng hàng ngàn m2, xung quanh 4 mặt tiền của ô đất này, rất nhiều hàng quán kinh doanh trái phép mọc lên.

Bên cạnh đó, một số lô đất khác mới đây đã được cơ quan chức năng rào chắn như lô E2, Khu đô thị mới Cầu Giấy, địa chỉ số 68 Dương Đình Nghệ; Lô QH 35 và QH 34, nằm trên đường Nguyễn Chánh đã được cơ quan chức năng quây tôn, ngăn chặn việc sử dụng sai mục đích.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Theo tìm hiểu của PV, phần lớn các lô đất kể trên sau khi thu hồi đều giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất quận Cầu Giấy quản lý. 

Tuy nhiên trong nhiều năm qua, việc quản lý của đơn vị này lại bộc lộ nhiều bất cập, khi để cho hàng loạt công trình trái phép ngang nhiên mọc lên, kinh doanh trái phép trên diện tích các lô đất đã được giao quản lý.

Câu hỏi đặt ra là: với việc hàng loạt công trình trái phép tồn tại trên đất dự án đã được giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất quận Cầu Giấy quản lý, cùng với lợi ích kinh tế  của nhóm lợi ích thì trách nhiệm của người đứng đầu Trung tâm phát triển quỹ đất sẽ như thế nào?

Nếu nhận được câu hỏi này, không hiểu ông Trần Đông Dực, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất Cầu Giấy, sẽ trả lời ra sao?

Thực tế hiện nay, nhiều khu đất dự án đã được giải phóng mặt bằng sạch nhưng không triển khai xây dựng theo đúng kế hoạch, quy hoạch được phê duyệt, gây lãng phí.

Từ đó, tạo cơ hội cho các cá nhân, tổ chức, thậm chí là “nhóm lợi ích”, lợi dụng đất dự án “treo” để lấn chiếm, chưng dụng để xây dựng các công trình tạm bợ trái phép như nhà xưởng, nhà hàng, quán ăn, kho bãi, gara ô tô, bãi trông giữ xe,... 

387ec4f5-02c6-4775-9a17-7c5baf7844d4-1717513474.jpg
Ô đất D34 là đất nằm trong quy hoạch dự án trường học nhưng thực tế lại đang là "showrooom" ô tô rộng hàng ngàn m2 

Đầu năm 2024, báo chí đã phản ánh một nhóm người tổ chức phân lô, bán “lốt” lô đất E5 (Dương Đình Nghệ - Nguyễn Quốc Trị)… cho các tiểu thương kinh doanh hoa Tết, thu lợi trái quy định. Chính quyền và lực lượng công an sau đó đã phải khẩn trương vào cuộc xác minh thông tin để xử lý theo quy định của pháp luật.

Thực tế, đã có không ít vụ việc khởi tố hình sự đối với giám đốc, phó giám đốc, thủ quỹ các trung tâm phát triển quỹ đất vì gây thất thu ngân sách nhà nước.

Tháng 5/2023, VKSND tỉnh Hà Nam đã phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét chỗ ở đối với ông Trần Văn Hà (SN 1960, trú tại thôn Lác Nội, xã Thanh Hương, huyện Thanh Liêm) nguyên Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất và ông Hà Văn Thạch (SN 1979, trú tại thôn Tam Tứ, xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm) nguyên Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam để điều tra về tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”.

Theo hồ sơ vụ án, trong quá trình thực hiện dự án “Mở rộng nút giao đường 495B và đường sơ tán cứu hộ kết hợp chắn nước núi huyện Thanh Liêm đoạn qua địa bàn xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm”, ông Hà và ông Thạch đã vi phạm quy định của Luật Đất đai, vượt quá quyền hạn, giao đất tái định cư cho các hộ dân trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho ngân sách hàng tỷ đồng.

Mới đây, ngày 1/4, Công an tỉnh Đồng Nai ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Nguyễn Đức Khuê - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Định Quán và thủ quỹ Lê Ngọc Muôn để điều tra về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, gây thất thoát ngân sách Nhà nước với tổng số tiền hơn 64 tỷ đồng (trong đó, ông Khuê gây thất thoát khoảng 46 tỷ đồng, ông Muôn gây thất thoát số tiền khoảng 18 tỷ đồng).

Quy trách nhiệm người đứng đầu để làm gương

Trong khi quỹ đất "vàng" TP HN ngày càng eo hẹp thì tại Cầu Giấy lại xảy ra nghịch lý khi đang có hàng loạt dự án đất “vàng" án binh vô thời hạn. Đất "vàng" bỏ hoang hay được sử dụng trái mục đích là sự lãng phí tài sản xã hội, đồng thời tạo nguy cơ tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm phát sinh.

Để hồi sinh các dự án đất "vàng" cần áp dụng chế tài theo quy định của pháp luật. Sau khi hết thời gian gia hạn, bằng mọi giá nên thu hồi đất vàng để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp có năng lực hơn. Ngoài xử phạt còn áp dụng hình thức không cấp phép thêm dự án mới cho các chủ đầu tư đang vướng dự án bỏ hoang.

dde12497-eb2d-4eaf-bde0-9127e7644294-1717513474.jpg
Nhiều lô đất "vàng" tại Cầu Giấy nằm án binh bất động

Theo Điều 2 Thông tư liên tịch 16/2015/TTLT-BTNMT-BNV-BTC thì Trung tâm Phát triển quỹ đất là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường có nhiệm vụ quản lý quỹ đất đã được giải phóng mặt bằng, quỹ đất nhận chuyển nhượng nhưng chưa có dự án đầu tư hoặc chưa đấu giá quyền sử dụng đất; đất đã thu hồi và thuộc trách nhiệm quản lý của Tổ chức phát triển quỹ đất theo quy định của Luật Đất đai.

Tại Khoản 1, Điều 240, Luật Đất đai nêu rõ, người thiếu trách nhiệm trong quản lý xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai hoặc có hành vi khác gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Đối với vấn đề đang diễn ra tại Cầu Giấy, cần thiết phải có cuộc tổng kiểm tra toàn diện những lô đất đã được thu hồi và bàn giao Trung tâm quỹ đất quản lý và có phát sinh sai phạm. Từ đó quy trách nhiệm của người đứng đầu Trung tâm và có biện pháp xử lý theo quy định. Xử nghiêm ở địa bàn Cầu Giấy cũng chính là làm gương cho các địa bàn khác trên địa bàn TP Hà Nội nhìn và tự chấn chỉnh. 

(Còn tiếp)

Nguyễn Trung

Quý đơn vị có nhu cầu quảng cáo vui lòng liên hệ hotline 0986.836.036