Hiểm hoạ từ những hợp đồng giả cách khi vay mượn tiền: (Bài 1) “Thiên la địa võng” đưa vào tròng

03/05/2024 10:48

Theo dõi trên

Trên thực tế hiện nay, rất nhiều gia đình đã, đang và sắp rơi vào hoàn cảnh bị mất nhà mất đất chỉ vì ký những hợp đồng giả cách, hoặc ký những hợp đồng trong tình thế bị ép buộc, hoặc ở hoàn cảnh khốn khó, cùng đường. Những người ở trong hoàn cảnh này may mắn thì gặp quý nhân, người tốt giúp đỡ, còn đen đủi thì lại trở thành “mồi ngon” cho một số kẻ cơ hội.

Vay 500 triệu nguy cơ mất hơn 5 tỷ

Do cần tiền đáo hạn ngân hàng, anh Phòng ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội được người quen giới thiệu gặp một nhóm người. Họ đồng ý cho vay lãi 500 triệu đồng với điều kiện anh Phòng phải bảo đảm bằng một “sổ đỏ”. Trong lúc túng quẫn, anh Phòng đã trình bày với mẹ đẻ và được bà làm hợp đồng cho tặng “sổ đỏ” đứng tên bà. Bà cụ mới mất khoảng giữa năm 2023. Và cho đến khi mất, chắc rằng bà cụ vẫn không thể ngờ nổi, việc cho tặng hồi đó đã khiến gia đình bà đứng trước nguy cơ mất toàn bộ gia sản gồm nhà đất trị giá 6 - 7 tỉ đồng chỉ vì một giao dịch để bảo lãnh cho khoản vay 500 triệu đồng của con trai bà. 

Anh Phòng cho biết: "Tôi cần tiền để chuộc sổ cho của mình đang cắm trong ngân hàng, tôi có quen nhóm chị Yến, ông Đỗ Lợi muốn mua mảnh đất riêng của tôi, nhưng vì sổ đang trong ngân hàng nên không chuyển nhượng được, chị Yến mới dẫn tôi đến gặp anh Vương Ngọc Hoàng, thì anh Hoàng có đồng ý cho tôi vay 500 triệu đồng. Thế nhưng đội anh Hoàng có nói với tôi là trong nhà có cuốn sổ nào không, thì tôi mới về nhà mẹ đẻ tôi là bà Nguyễn Thị Tẹo để mượn sổ để làm cho tặng rồi chuyển nhượng cho nhóm anh Nam và Hoàng để làm tin cho việc vay mượn".

a6042f1e-51d8-4c98-89e9-bfec102586b7-1-1714101687.jpg
Gia đình anh Phòng đứng trước nguy cơ mất nhà đất trị giá hiện tại khoảng 6 - 7 tỉ đồng

Theo tài liệu, hồ sơ: ngày 9/2/2013, anh Phòng cùng 2 người là Nam và Chiến cùng ký một cam kết, với nội dung: Anh Phòng sẽ sử dụng thửa đất được mẹ mình làm hợp đồng cho tặng, để thế chấp vào “công ty của anh Nam” để vay ngân hàng. Anh Phòng sẽ được dùng số tiền 1 tỷ đồng trong 05 năm. Trong thời gian này muốn rút “sổ đỏ” về thì anh Phòng phải báo trước anh Nam 2 tháng. Số tiền còn lại vay ngân hàng anh Nam sẽ sử dụng, nhưng anh Phòng phải được biết. Tháng đầu tiên anh Phòng sẽ nộp lãi suất 60 triệu đồng. Từ tháng sau theo lãi suất ngân hàng, mỗi tháng 10 triệu đồng. Anh Nam cam kết “sổ đỏ” chỉ để ở ngân hàng, không dùng mua bán, uỷ quyền dưới mọi hình thức.

Cùng ngày, anh Phòng và anh Nam làm Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất số 524/2013 tại Văn phòng công chứng Hà Đông với mức chuyển nhượng 1 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế của thửa đất. Dù thực tế anh Phòng được nhận số tiền 500 triệu đồng và phải trả lãi hàng tháng.

Anh Phòng kể lại: "Lúc ra văn phòng công chứng, tôi đã bị ép ký, bị đe dọa rất nhiều vì tôi thấy số tiền chuyển nhượng là 1 tỷ đồng, trong khi tôi chỉ vay 500 triệu thôi, tôi không đồng ý nhưng mà nhóm người kia đã ép tôi phải ký”.

Sau khi tôi làm thủ tục sang tên, thì tôi vẫn đóng lãi đầy đủ với 114 triệu đồng, tuy nhiên vì số tiền lãi là quá lớn, nên sau 4 tháng tôi mượn được ít tiền và tôi muốn trả nợ rút sổ về thì lại không liên lạc được với nhóm người cho vay kia”.

efbb57b9-ef46-4d28-95f0-8c73b9ebd105-1-1714101687.jpg
Nhà đất thờ cúng tổ tiên của anh Phòng đang bị thế chấp tại ngân hàng

Sau một thời gian, anh Phòng biết tin mảnh đất thờ cúng tổ tiên bị mang thế chấp tại ngân hàng, và phía ngân hàng đang tiến hành khởi kiện, khiến gia đình anh Phòng đứng trước nguy cơ mất nhà đất trị giá hiện tại khoảng 6 - 7 tỉ đồng. 

Ngay sau khi ra khỏi phòng công chứng, khi đó tôi đã biết mình bị lừa, tuy nhiên vì quá lo sợ nên tôi đã không dám tố cáo nhóm người trên, đến nay khi mảnh đất thờ cúng tổ tiên của mình lại đang bị kiện tụng tranh chấp thì tôi rất bất bình, tôi rất muốn trả tiền lấy lại sổ nhưng nhóm người kia thì “bặt vô âm tín”, anh Phòng kể thêm.

Nhằm cứu vãn tình thế, anh Phòng đã làm rất nhiều đơn tố giác tội phạm đến lực lượng chức năng.

Anh Phòng cho biết thêm: "Sau một thời gian tôi đã làm rất nhiều đơn tố giác tội phạm đến các cơ quan chức năng nhưng không bên nào giải quyết cho tôi, các bên đều trả lời rằng đây là việc dân sự không phải hình sự, nhưng thực tế là tôi không hề chuyển nhượng, tôi đang bị lừa".

7a4eaffe-8f32-4c4f-9a88-d6500c42fa26-1714101687.jpg
Túng quẫn và thiếu hiểu biết pháp luật dễ dẫn đến quyết định sai lầm

Trên thực tế, những vụ việc thế này không hiếm. Tất cả đều xuất phát từ sự thiếu hiểu biết cộng với tình thế nguy khó của người dân mà cộng hưởng thành nguy cơ lớn.

Trong bài viết “Đôi vợ chồng già mất gần 10.000m2 đất vì con trai vay 30.000.000đ bằng hợp đồng giả cách” Người đưa tin TV cũng đề cập đến vụ việc xảy ra tại huyện Châu Đức tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Đó là một câu chuyện đau lòng về đôi vợ chồng già mất 9.300m2 đất chỉ vì con trai vay 30 triệu đồng bằng hợp đồng giả cách. Để được vay 30 triệu đồng, con trai ông bà đã thiếu hiểu biết mà ký ủy quyền để người cho vay toàn quyền quyết định mảnh đất của mình. Dù vẫn trong hạn trả nợ và nhận lãi đầy đủ, nhưng chủ nợ đã đem chuyển nhượng cho người khác. Tòa sơ thẩm tuyên hợp đồng chuyển nhượng vô hiệu là do là hợp đồng giả cách. Nhưng tòa phúc thẩm tuyên chủ nợ thắng kiện, khiến hai vợ chồng già tiếp tục phải cầu cứu tới cơ quan cấp cao hơn. 

Hay trong bài viết “Vì sao một hộ dân bị chiếm giữ, đập phá nhà?”, Người đưa tin TV thông tin về vụ việc xảy ra tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Anh Trung là một nông dân trồng hoa ở một làng nghề hoa truyền thống, do cần tiền nhập giống hoa về trồng nên đã vay lãi ngày, mức lãi suất 4000 đồng/triệu/ngày. Điều kiện để được vay và giảm lãi là anh Trung phải bảo lãnh bằng “sổ đỏ” và ký uỷ quyền cho chủ nợ. Hàng tháng anh Trung trả lãi đầy đủ. Còn chủ nợ sau khi được uỷ quyền thì làm “sổ đỏ” sang tên mình. Và bất chợt một ngày, chủ nợ cho người đến phá toàn bộ nhà cửa nhà anh Trung, với lý do anh Trung đã bán nhà cho chủ nợ, còn việc vay tiền là việc khác. Nghĩa là, anh Trung vừa phải trả tiền cho khoản nợ đã vay, vừa mất trắng nhà đất trị giá nhiều tỷ đồng. 

daf894aa-c4da-414c-b6f1-3dcf15ec80f5-1714101687.jpg
Sang tên "sổ đỏ" để bảo đảm cho khoản vay là một cái bẫy...

Cơ quan tố tụng cần phân xử bằng bản chất thay vì hình thức

Trong các vụ việc, cơ quan tố tụng xem xét đánh giá dựa trên hồ sơ, chứng cứ, tài liệu là đúng về trình tự, thủ tục pháp lý. Tuy nhiên, nếu quá cứng nhắc xem xét các vụ việc theo hướng chỉ đánh giá mặt hình thức, thì sẽ dẫn đến nhiều oan sai, đồng thời sẽ có nguy cơ bỏ lọt tội phạm. 

Hoạt động tội phạm hiện nay ngày càng tinh vi, xuất hiện những thủ đoạn mới, nhằm qua mặt cơ quan tố tụng. Những dấu hiệu phạm pháp hình sự được che đậy khéo léo dưới các giao dịch hình thức dân sự. 

Việc xem xét, giải quyết các vụ việc tương tự dựa trên hình thức mà không đánh giá toàn diện, xem xét kỹ bản chất vấn đề, dẫn đến sự mất lòng tin trong nhân dân, đồng thời tạo hệ luỵ xấu cho xã hội với sự gia tăng đơn thư kiện cáo, kêu oan vượt cấp. 

Việc xem xét, đánh giá một cách toàn diện giữa hình thức và bản chất vụ việc phụ thuộc vào việc cơ quan thụ lý và cá nhân cán bộ trực tiếp giải quyết có thực sự công tâm, khách quan hay không.

Vậy nên trên thực tế, có vụ việc được đánh giá toàn diện, được người dân tâm phục, khẩu phục. Nhưng cũng có những vụ việc chỉ được đánh giá trên những tờ giấy vô tri vô giác, được hình thành từ những mưu toan, bất chấp nó mâu thuẫn và không thể hiện đúng bản chất vấn đề. 

(Còn nữa)

Nguyễn Trung

Quý đơn vị có nhu cầu quảng cáo vui lòng liên hệ hotline 0986.836.036