Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có hàng loạt các mỏ khoáng sản đang hoạt động. Để được phép khai thác, doanh nghiệp đều phải chấp hành các quy định pháp luật.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, tại TP Hòa Bình, tình trạng khai thác tài nguyên không tuân thủ các quy định pháp luật vẫn diễn ra. Kéo theo đó nhiều hệ lụy về sau ảnh hưởng tới môi trường, các phương tiện khi tham gia bốc xúc vận chuyển tài nguyên đe dọa tới kết cấu giao thông đường bộ.
Tình trạng trên đã diễn ra suốt một thời gian dài nhưng các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình vẫn không xử lý triệt để khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi về công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm.
Tại một điểm khai thác đất nằm cách không xa cầu Đèo Bụt 1 thuộc địa bàn xã Quang Tiến, TP Hòa Bình, hình ảnh từ trên cao cho thấy những quả đồi ở đây bị san gạt, đào bới nham nhở rộng hàng nghìn mét dần lộ ra.
Mỗi ngày có nhiều lượt xe tải trọng lớn ra vào vận chuyển đất. Hầu hết những chiếc xe này đều cơi nới thành thùng có dấu hiệu chở quá khổ quá tải nhiều lần.
Dự án BOT Hòa Lạc - Hòa Bình có tổng chiều dài gần 26km do liên danh nhà đầu tư là Tổng Công ty 36, Cty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Hà Nội, Cty Cổ phần Xây lắp và Thương mại Trường Lộc thực hiện với tổng mức đầu tư gồm cả lãi vay là 2.723 tỷ đồng. Hiện cty đại diện Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6 - Hòa Lạc - Hòa Bình đang tiến hành khai thác thu phí tuyến đường trên.
Trước đó, tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình cũng xảy ra nhiều lùm xùm liên quan đến việc đặt trạm thu phí và bị người dân nơi đây liên tục phản ứng.
Hiện dư luận cho rằng với tình trạng xe quá khổ quá tải hoành hành như hiện nay, cùng với sự thờ ơ của các cơ quan quản, tuyến đường nghìn tỷ này chẳng mấy chốc sẽ xuống cấp.
Truyền hình Người đưa tin pháp luật sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trong phóng sự sau.