Nhân danh từ thiện để lừa đảo: Phạm luật, trái đạo đức

20/06/2022 12:15

Theo dõi trên

Hành vi chiếm đoạt tài sản là đáng lên án, pháp luật đã có rất nhiều quy định để xử lý đối với hành vi này. Và càng đáng lên án hơn, là việc nhân danh từ thiện để lừa đảo, điều này vừa phạm luật, vừa trái đạo đức. Các cơ quan chức năng đã xử lý rất nhiều trường hợp vi phạm pháp luật về hành vi nêu trên, trong đó có cả tổ chức và cá nhân.

Cụ thể, ngày 19-2-2022, Cơ quan điều tra Công an thành phố Cần Thơ đã triệt phá chuyên án lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua kêu gọi từ thiện trên mạng xã hội, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam Nguyễn Văn Phúc, sinh năm 1993, trú tại tỉnh Kiên Giang, để điều tra về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". 

Hay như vụ việc gây xôn xao trong dư luận vừa qua liên quan đến “Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới”. Ngày 28-3-2016, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Trung tâm này và chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, đề nghị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Với thủ đoạn tinh vi, các đối tượng này lấy danh nghĩa trung tâm để tổ chức chương trình “Trái tim Việt Nam”, đưa ra các chính sách thiện nguyện, hứa hẹn trả lãi suất cao từ 400 - 800%, để lôi kéo người dân nộp tiền. Người giới thiệu cho người khác tham gia sẽ được hưởng hoa hồng 500.000 đồng.

z3479431640225-3cfbebfd0be2b85038da1d94414d2472-1654764181.jpg
Thời gian qua, xuất hiện nhiều hành vi lấy danh nghĩa làm từ thiện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các cơ quan chức năng đã mạnh tay xử lý rất nhiều trường hợp

Ông Bùi Văn Nghị, trú tại thôn Tiền Phong, xã Hòa An, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, là một trong hàng vạn bị hại của “Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới”. Năm 2015, tin theo những lời dụ dỗ có cánh của nhóm lừa đảo, núp bóng thiện nguyện, ông Nghị đã kêu gọi người thân, họ hàng gần xa góp tiền đầu tư.

Ông Nghị, chia sẻ: “Khi đấy tôi thấy chính sách của trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới này tốt quá. Vừa nhân văn, vừa giúp được người nghèo. Sau đó tôi mời rất nhiều người thân, anh em, bạn bè tham gia. Đến khi biết được mình bị lừa thì đây là một vấn đề cực kỳ khó khăn cho tôi. Thậm chí, có những người nghèo tôi mời tham gia tôi phải bỏ tiền túi ra để đền cho họ, và hiện nay tôi đã bán căn nhà và về quê ở với bố mẹ”.

Không chỉ riêng ông Nghị, mà rất nhiều người dân nghèo ở các vùng nông thôn trên nhiều tỉnh thành của cả nước cũng tin theo cái gọi là “Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới”.  

Ông Phạm Huy Thân, trú tại xã Tân Thành, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, cho biết: “Chính vì cái hình ảnh, trái tim giúp đỡ người nghèo, chúng tôi mới tin theo đường lối đấy mà bị chúng lừa lọc. Dẫn đến có một số gia đình ham lợi mà phải vay tiền để đầu tư vào đấy. Rồi có những ông bà già, con cháu cho tiền cũng không dám tiêu mà dành dụm để bỏ vào đấy. Có trường hợp ấm ức quá phải nhảy lầu tự tử, đây là một điều vô cùng đau khổ”.

Ngày 21-11-2019, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Trần Đức Trung (SN 1961, trú tại phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội), nguyên Chủ tịch HĐTV và bị cáo Lê Thị Hằng (SN 1963, trú tại phường Kim Mã, quận Ba Đình) nguyên Tổng Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới cùng các đồng phạm do có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền khoảng 190 tỷ đồng.

z3479431652280-7d7633a492a2d32523b6f40ec7b2e503-1654764181.jpg
Bị cáo Trung và Hằng cùng các đồng phạm tại phiên tòa hình sự sơ thẩm cuối năm 2019

Theo kế hoạch, phiên tòa xét xử vụ án này diễn ra trong 10 ngày. Tuy nhiên phiên tòa mới sang ngày xét xử thứ hai đã phải dừng lại. Lý do được Hội đồng xét xử cho biết, do thiếu lời khai của nhiều bị hại trong vụ án nên cần phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, TAND TP Hà Nội vẫn chưa mở lại phiên tòa sơ thẩm để xét xử vụ án, khiến nhiều bị hại vô cùng bức xúc.

Bà Phạm Thị Yến, trú tại xã Đông La, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, bức xúc: “Việc điều tra là của công an, viện kiểm sát bây giờ đã hoàn thành rồi, chỉ còn việc xét xử để đưa ra đúng phải cho người dân mà TAND TP Hà Nội để chúng tôi đợi quá lâu”.

z3479431689473-e1d5c1685e5f49d62ed72bdb971af72a-1654764181.jpg
Các nạn nạn nhân của vụ lừa đảo xảy ra tại Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới, vẫn mong chờ có một phiên tòa sơ thẩm từ TAND TP Hà Nội
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 297 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì thời hạn hoãn phiên tòa sơ thẩm không được quá 30 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa.

Như vậy, đã 3 năm kể từ ngày phiên tòa tạm hoãn, nhiều lần các bị hại làm đơn gửi TAND TP Hà Nội, gửi đến lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo TP Hà Nội, với mong mỏi có một phiên tòa sơ thẩm được diễn ra, để các đối tượng lừa đảo phải trả giá trước sự nghiêm minh của pháp luật và chịu trách nhiệm bồi thường những thiệt hại mà các đối tượng gây ra.

Phong Hào
Bạn đang đọc bài viết "Nhân danh từ thiện để lừa đảo: Phạm luật, trái đạo đức" tại chuyên mục Nghiên cứu - Trao đổi. Hotline: 088 888 2323 - 0986 836 036

Quý đơn vị có nhu cầu quảng cáo vui lòng liên hệ hotline 0986.836.036