Việc các lò gạch thủ công, lò gạch cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch đang ngày lạc hậu, ảnh hưởng trực tiếp cho sức khỏe của người dân như gây khói, bụi, ô nhiễm môi trường, đất nông nghiệp thì bị đào bới, ngày một thu hẹp.
Nhằm phát triển sản xuất vật liệu xây dựng hướng tới phát triển ổn định, bền vững, sử dụng nguồn tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu, ngày 22/8/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1469 về quy hoạch phê duyệt tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, các cơ sở sản xuất nằm ở khu vực các xã thuộc huyện miền núi của các tỉnh phải xây dựng lộ trình chấm dứt hoạt động chậm nhất hết năm 2017 với lò thủ công, thủ công cải tiến và chậm nhất vào năm 2020.
Thực hiện theo Quyết định của Thủ tướng, nhiều tỉnh, thành phố đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền và ban hành chính sách hỗ trợ, chuyển đổi kinh doanh nghề khác. Đến nay, hầu hết các cơ sở sản xuất gạch bằng lò thủ công đã chấm dứt hoạt động, như tỉnh: Tuyên Quang, Thái Bình, Đồng Tháp…
Huyện Hàm Yên, Tuyên Quang vốn được coi là “thủ phủ” khi có tới 98 lò gạch thủ công lạc hậu, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền của địa phương về chính sách của Nhà nước, đến 9/2020, cả 98 chủ lò gạch đã đồng thuận với chủ trương tháo dỡ, xóa bỏ và dừng hoạt động.
Tuy nhiên, tại một số địa phương, công tác tuyên truyền, xử lý theo Quyết định của Thủ tướng vẫn chưa được thực hiện nghiêm, như một số xã của huyện Quốc Oai, TP Hà Nội.
Cụ thể, ngày 21/6/2018, Sở Xây dựng Hà Nội có văn bản số 5401 gửi UBND TP Hà Nội về lộ trình chấm dứt lò gạch thủ công, trong đó huyện Quốc Oai có 18 lò. Ngày 23/7/2018, UBND TP Hà Nội có Văn bản 3328 đồng ý xóa bỏ 18 lò gạch tại huyện Quốc Oai, chậm nhất là đến hết năm 2020. Theo đó, ngày 9/10/2021 UBND huyện Quốc Oai ban hành Kế hoạch 321 triển khai việc chấm dứt hoạt động đối với lò gạch thủ công.
Đến nay, trước sự vận động, tuyên truyền của chính quyền địa phương, hầu hết các lò gạch thủ công trên địa bàn huyện Quốc Oai đã được người dân tự nguyện tháo dỡ và dừng hoạt động, như hai lò gạch tại xã Tân Hòa.
Tuy nhiên, hàng xóm của xã Tân Hòa là xã Cộng Hòa, lò gạch của Công ty TNHH ĐT&XD Mỹ Hoa của ông Vương Trí Qúy vẫn hoạt động ngày đêm.
Ngày 11/3/2022, UBND huyện Quốc Oai tổ chức hội nghị triển khai phương án và yêu cầu xử lý dứt điểm các lò gạch sử dụng đất nung trên địa bàn huyện, hạn cuối là trong tháng 4.
Tuy nhiên lãnh đạo xã Cộng Hòa vẫn chưa có biện pháp xử khiến lò gạch của Công ty TNHH ĐT&XD Mỹ Hoa vẫn hoạt động rầm rộ, dư luận bức xúc.
Chiều ngày 4/5/2022 ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai chủ trì hội nghị họp tập thể UBND huyện về kết quả thực hiện nhiệm vụ tháng 4, triển khai nhiệm vụ tháng 5/2022.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai đã điểm tên và ra tối hậu thư, chốt hạn cho xã Cộng Hòa và xã Cấn Hữu phải yêu cầu các chủ lò gạch thực hiện phá dỡ xong trước ngày 15/5/2022. Nếu không xử lý triệt để, phòng Nội vụ sẽ tham mưu cho UBND huyện để đình chỉ công tác và kiểm tra, xem xét trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND xã.
Việc tháo dỡ, dừng hoạt động đối với các lò gạch thủ công lạc hậu là quyết sách đúng đắn của Chính phủ, là phù hợp với thời cuộc Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa tạo nên môi trường trong sạch, đảm bảo sức khỏe cho người dân.
Tuy nhiên, để Quyết định của Thủ tướng đi vào cuộc sống, thiết nghĩ UBND TP Hà Nội và Bộ Xây dựng cần tăng cường công tác, giám sát, kiểm tra thường xuyên qua đó xử lý nghiêm những địa phương còn lơ là thực hiện. Tránh việc trên chỉ đạo, còn dưới thì bất tuân.