Tin cháu mất nhà, gia đình liệt sỹ xin cho trả nợ thay để giữ lại nơi hương hoả

18/04/2024 16:21

Theo dõi trên

Trên thực tế hiện nay, tình trạng người dân mất nhà mất đất vì tin tưởng cho người thân, bạn bè mượn “sổ đỏ” vay tiền ngân hàng, là một vấn đề gây nhiều hệ luỵ cho xã hội. Dưới dây là một ví dụ điển hình, một câu chuyện khiến người ta vừa giận vừa thương. Giận vì sự thiếu hiểu biết, dễ tin người, thương vì là một gia đình chính sách.


Gia đình ông Nguyễn Văn Lẫm - bà Trương Thị Thủy hiện đang sống trên một thửa đất 172m2 ở thôn 4, xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội, với ba thế hệ và 11 nhân khẩu.

Căn nhà cũng là nơi thờ cúng liệt sỹ Nguyễn Văn Thẳm - anh trai ruột của ông Lẫm.

Vợ chồng ông Lẫm bà Thuỷ làm nghề tự do với nguồn thu lúc có lúc không. Các con đều làm công nhân với mức lương ba cọc ba đồng.

434797167-7735102773218298-6169864283640761141-n-1713431432.jpg
Tin người thân và thiếu hiểu biết, gia đình ông Lẫm bà Thuỷ đứng trước nguy cơ mất nhà đất

Năm 2011, do thửa đất này đã được cấp “sổ đỏ”, nên hai vợ chồng người cháu ruột là Nguyễn Thị Thanh Huyền và Đặng Trần Triệu đã hỏi mượn sổ của vợ chồng ông Lẫm để vay tiền ngân hàng. Do tin tưởng người thân họ hàng và thiếu hiểu biết, nên vợ chồng ông Lẫm đồng ý cho mượn sổ và ký thế chấp để người cháu vay tiền ngân hàng Techcombank (ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam) khoản tiền 900 triệu đồng.

Sau đó, do làm ăn thua lỗ nên vợ chồng chị Huyền - anh Triệu mất khả năng chi trả.

Theo bản án của Toà án nhân dân huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội năm 2021, khoản nợ của hai vợ chồng chị Huyền - anh Triệu là gần 3,3 tỉ đồng. Sau đó ngân hàng giảm phần lãi phạt hơn 1 tỉ đồng, yêu cầu trả gần 2,3 tỉ đồng.

Năm 2022, Chi cục thi hành án dân sự huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội ban hành quyết định cưỡng chế, kê biên quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất nhưng vẫn tạm giao cho hộ ông Lẫm quản lý. Đây có lẽ là cách xử lý mang tính nhân văn từ phía cơ quan thi hành án với một gia đình chính sách, nhằm tạo cơ hội cho ngân hàng và người dân có thời gian hoà giải, tìm được tiếng nói chung.

Đến nay hai vợ chồng người cháu đã ly hôn. Người cháu gái gọi bà Thuỷ là dì ruột đã đưa 1 tỉ đồng, còn ông cháu rể Đặng Trần Triệu thì cao chạy xa bay, cắt đứt liên lạc.

437094879-957030145617108-8702573117100508029-n-1713431432.jpg
Ba thế hệ với 11 nhân khẩu đứng trước nguy cơ không nhà cửa

Vợ chồng ông Lẫm bà Thuỷ đến nay cũng ý thức được hậu quả từ sự thiếu hiểu biết pháp luật, từ đó chấp nhận đứng ra giải quyết hậu quả mà hai người cháu gây ra. Ngoài khoản tiền cháu gái đưa, ông bà sẽ vay mượn thêm người thân, họ hàng để trả tiền cho ngân hàng, tránh việc bị phát mãi tài sản.

Bởi nhà đất hiện tại có ý nghĩa quan trọng với đại gia đình ông Lẫm. Không chỉ là nơi thờ cúng tổ tiên nhiều đời, mà còn là nơi hương khói cho liệt sỹ Nguyễn Văn Thẳm, người có công với Tổ quốc.

434943830-2055135608193090-8348226488228700046-n-1713431432.jpg
Gia đình ông Lâm xin được khắc phục hậu quả để giữ lại nơi hương hoả, nơi thờ cúng liệt sỹ

Mục tiêu cao nhất của tổ chức tài chính là lợi ích kinh tế. Nguyện vọng lớn nhất của người dân là giữ lại nơi thờ cúng tổ tông, liệt sỹ. Nếu lợi ích hai bên đều được đáp ứng hài hoà, đó sẽ là kết thúc có hậu nhất.

Vừa đạt được lợi ích kinh tế của mình, lại vừa giúp được một gia đình chính sách, sẽ thể hiện được tính nhân văn của một tổ chức tài chính uy tín như Techcombank.

Lời bình: Bích Hà

Quay phim: Quốc Long

Kỹ thuật: Trung Nguyễn

Quay phim: Quốc Long - Đọc lời bình: Bích Hà - Kỹ thuật: Trung Nguyễn
Bạn đang đọc bài viết "Tin cháu mất nhà, gia đình liệt sỹ xin cho trả nợ thay để giữ lại nơi hương hoả" tại chuyên mục Nghiên cứu - Trao đổi. Hotline: 088 888 2323 - 0986 836 036

Quý đơn vị có nhu cầu quảng cáo vui lòng liên hệ hotline 0986.836.036