Theo Điều 12, Luật Đất đai 2013, hành vi lấn, chiếm, hủy hoại đất, sử dụng đất không đúng mục đích là những hành vi bị nghiêm cấm. Khoản 25, Điều 3 của luật này cũng nếu rõ hành vi hủy hoại đất là làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất… theo mục đích đã được xác định.
Hành vi hủy hoại đất có thể bị xử phạt lên đến 250 triệu đồng theo Điều 9, Nghị định 91/2019 của Chính phủ. Đồng thời phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất, nếu người vi phạm không chấp hành thì có thể bị thu hồi đất theo quy định.
Dù luật và nghị định quy định rất rõ nhưng trên thực tế, tại một số địa phương, việc quản lý đất nông nghiệp vẫn còn chưa được quan tâm đúng mức khiến đất đai bị xâm phạm, hủy hoại.
Sau khi được san lấp, những mảnh đất nông nghiệp sẽ được “hô biến” thành nhiều nhà xưởng, mặt bằng kinh doanh, nhà ở, dự án, trang trại một cách trái phép.
Tại xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội, nhiều hecta đất nông nghiệp đã dần “biến” thành các nhà xưởng, kho bãi, trạm trộn bê tông, khu chế xuất.
Hiện có nơi mới bắt đầu san lấp tạo mặt bằng và nhiều nơi vẫn đang bị đào bới, đổ chất thải một cách nham nhở. Bên cạnh đó, nhiều diện tích đã được quây tôn làm nhà xưởng hoạt động từ nhiều năm nay.
Ngoài việc chuyển đổi, sử dụng đất có dấu hiệu sai mục đích, theo quan sát của PV, nhiều cơ sở tại khu vực này có dấu hiệu vi phạm về môi trường như, đổ chất thải rắn hủy hoại đất đai, nước thải chưa qua xử lý, liên tục xả khói đen có mùi nồng nặc.
Nhiều cơ sở có diện tích chật hẹp, xây dựng tạm bợ, tập kết nhiều vật liệu dễ cháy nên vấn đề về PCCC cũng luôn là mối đe dọa.
Phía bên kia đê là xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, cũng xuất hiện nhiều công trình có dấu hiệu vi phạm đất đai, xây dựng. Thậm chí, có công trình nhà máy xây dựng kiên cố sát chân đê, vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều. Quá trình sản xuất, vận chuyển làm rơi vãi vật liệu, bụi ra đường gây ô nhiễm môi trường.
Ông Nguyễn Nho Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Sài Sơn, cho biết: “Công trình trên là đất nông nghiệp, nằm trong hành lang bảo vệ đê. Ngày xưa là đất của xã Liên Hiệp, Phúc Thọ, cho người ta thầu để mở xưởng gạch. Bây giờ, theo Bản đồ 364 thì đất này thuộc khu vực Sài Sơn. Chỉ có cấp huyện với thành phố mới xử lý được, xã không có thẩm quyền xử lý”.
PV đã đến UBND xã Liên Hiệp (huyện Phúc Thọ) để tìm hiểu về công tác quản lý đất đai, môi trường trên địa bàn, UBND xã hẹn sẽ cung cấp thông tin sau.
Để chấn chỉnh tình trạng vi phạm về sử dụng đất đai, ngày 3/1/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai. Trong đó yêu cầu xử lý nghiêm người đứng đầu buông lỏng quản lý đất đai; …
Ngày 26/5/2016, Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác đảm bảo trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn Thủ đô. Trong đó có nội dung: Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra công vụ, kịp thời xem xét kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức vi phạm, xem xét trách nhiệm và xử lý kỷ luật Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng công an, Thanh tra xây dựng xã, phường, thị trấn khi để xảy ra vi phạm.
Để những quy định của pháp luật được thực thi, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và của Thành ủy Hà Nội đi vào thực tiễn, đề nghị UBND huyện Phúc Thọ, UBND huyện Quốc Oai sớm vào cuộc kiểm tra, xử lý những vi phạm trên, đây cũng là tính răn đe, tránh để lại những tiền lệ xấu, sai phạm kéo dài gây bức xúc trong dư luận.