'Đông y online' và những 'thánh lừa' tiền tỉ: (Bài 1) Cảnh giác với quảng cáo lừa đảo về sản phẩm làm to ngực Đào Thi

19/06/2021 13:45

Theo dõi trên

Thời gian qua, Chính phủ và Bộ Y tế đã có những văn bản chấn chỉnh các hoạt động quảng cáo kinh doanh thực phẩm chăm sóc sức khỏe (thực phẩm chức năng), nhằm đưa các hoạt động này vào khuôn khổ của pháp luật một cách nghiêm minh. Nhưng trên thực tế, các vi phạm diễn ra tinh vi và khó nắm bắt, xử lý.

Cụ thể, tại Điều 5 Nghị định số 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, trong đó quy định rõ việc quảng cáo thực phẩm chức năng phải khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh; Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc".

Và Khoản 4, Điều 70 Nghị định 158/2013, được sửa đổi tại Nghị định 28/2017 quy định cấm Quảng cáo thực phẩm dưới hình thức bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh; sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm chức năng.

Thế nhưng, trên thị trường vẫn diễn ra hàng loạt các sản phẩm được quảng cáo theo kiểu dàn dựng, thổi phồng công dụng sản phẩm như thần dược, lừa dối người tiêu dùng để trục lợi hàng trăm hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm, hệ lụy là hàng vạn người dân vì nhẹ dạ, thiếu hiểu biết đã rơi vào bẫy lừa, dẫn đến thảm cảnh tiền mất tật mang.

ti-to00-00-32-00still014-1623868887.jpg
Nghị định số 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định, không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc

Chúng tôi xin lấy ví dụ một sản phẩm là thực phẩm bảo vệ sức khỏe Đào Thi do Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương Viheco (địa chỉ tại thôn Thượng Phúc, xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội) sản xuất. Đơn vị chịu trách nhiệm công bố, đưa sản phẩm ra thị trường là Công ty TNHH Dược phẩm quốc tế Medicom, có địa chỉ tại tầng 4, tòa nhà Vimeco Lô E9 đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.

Theo ghi nhận của PV tại website https://www.sacdepphunutoday.com/ và một số website khác, lại quảng cáo sản phẩm Đào Thi có công dụng: “Hỗ trợ săn chắc cải thiện chảy xệ, làm hồng nhũ hoa; Bổ sung estrogen tăng cường sinh lý, điều hòa kinh nguyệt; Collagen - Vitamin E chống lão hóa giảm nếp nhăn, bốc hỏa cáu gắt; Ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh ung thư vú, ung thư cổ tử cung ở nữ giới”.

Trên thực tế sản phẩm Đào Thi là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, nhưng lại được giới thiệu là thuốc chữa bệnh, với 3 dạng: viên nén, viên sủi và kem bôi. Với mỗi loại, cách dùng và liều lượng khác nhau. Website này "tự phong" sản phẩm Đào Thi thành thuốc khi đưa ra khuyến cáo “nên uống thuốc trước bữa ăn 30 phút và uống với thật nhiều nước”.

Chưa dừng lại ở đó, trên các website này, sản phẩm Đào Thi còn được quảng cáo là “được Bộ Y Tế cấp giấy chứng nhận sản phẩm an toàn không tác dụng phụ và được phép lưu hành trên toàn quốc”.

Tuy nhiên, hiện Bộ Y tế không cấp phép chứng nhận cho bất cứ sản phẩm thực phẩm chức năng nào. 

Loại "chứng nhận" mà website này nói tới chỉ là "Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm" mà Cục An toàn thực phẩm cấp cho các doanh nghiệp, đơn vị chịu trách nhiệm công bố sản phẩm. Muốn biết chất lượng sản phẩm có đúng như trong Giấy tiếp nhân đăng ký bản công bố sản phẩm hay không cần phải qua quá trình hậu kiểm do Cục An toàn thực phẩm tiến hành.

ti-to00-02-30-24still012-1623868888.jpg
Thực phẩm chức năng Đào Thi là một sản phẩm bảo vệ sức khỏe, người mua hàng cần lưu ý một điều rằng đây không phải là thuốc

Tại website Sieuthisongkhoe.com cũng dùng chiêu trò quảng cáo tương tự.

Nếu không tìm hiểu kỹ, người tiêu dùng rất dễ nhầm lẫn sản phẩm này với các loại thuốc có khả năng chữa bệnh.

Ngoài ra, trên các website quảng cáo sản phẩm Đào Thi còn sử dụng hình ảnh của bác sĩ, người nổi tiếng để quảng cáo cho sản phẩm này, với mục tiêu lôi kéo nhiều khách hàng sử dụng sản phẩm.

Cụ thể, trên website https://www.sacdepphunutoday.com/, hình ảnh của BS CK2 Nguyễn Thái Hà (Bệnh viện Từ Vũ); TS.Bs Vũ Thị Khánh Vân (Viện Y học cổ truyền Quân đội); ThS.BS Nguyễn Thị Hằng, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Y dược Tuệ Tĩnh (Học viện y học cổ truyền Việt Nam) đã được đem ra gắn với quảng cáo về sản phẩm Đào Thi. Bên cạnh đó, hình loạt của hàng loạt diễn viên nổi tiếng như Thanh Hương, Vân Trang, Quỳnh Nga… cũng xuất hiện trong các quảng cáo về sản phẩm Đảo Thi trên nhiều website.

ti-to00-04-05-23still013-1623868888.jpg
Trên website https://www.sacdepphunutoday.com/, hình ảnh của nhiều diễn viên nổi tiếng quảng cáo cho sản phẩm Đào Thi

Trước đó, Công ty TNHH Dược phẩm Quốc tế Medicom đã bị Cục An toàn thực phẩm xử phạt 100 triệu đồng và yêu cầu tháo gỡ nội dung quảng cáo vi phạm, cải chính thông tin theo quy định. 

Trên giấy tờ bà Lê Thị Phượng là người đại diện pháp luật của Cty Medicom. Tuy nhiên, theo giới "đông y online", bà Nguyễn Thị Nhung cũng là người có "ý nghĩa quan trọng" với Cty Medicom. Bà Nhung cũng là nhân vật vừa bị báo chí phanh phui vụ tổ chức hệ thống nhân viên mạo danh bác sĩ để lừa đảo người bệnh, bán thực phẩm chức năng gây rúng động dư luận vừa qua. 

Ngoài ra, sản phẩm Đào Thi được Cục ATTP cấp giấy Công bố sản phẩm thì đơn vị sản xuất là Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương Viheco (địa chỉ tại thôn Thượng Phúc, xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội), thế nhưng trên bao bì sản phẩm Đào Thi lại ghi đơn vị sản xuất là Cty cổ phần nghiên cứu và phát triển dược phẩm GENPHAR có địa chỉ tại khu Công nghiệp Quang Minh mở rộng, thị trấn Chi Đông, Mê Linh, Hà Nội. 

Tuy nhiên, đơn vị này đã bị Cục ATTP ra Quyết định số 165/QĐ-ATTP về việc thu hồi hiệu lực Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP) TPBVSK số 120/2019/ATTP-CNGMP ngày 31/12//2019 do Cục ATTP đã cấp cho Công ty cổ phần nghiên cứu và phát triển Dược phẩm GENPHAR.

ti-to00-05-30-23still023-1624086383.jpg
Cục ATTP ra quyết định thu hồi hiệu lực giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP) của Cty Dược phẩm GENPHAR

Nếu các sản phẩm Đào Thi được sản xuất tại một cơ sở bị thu hồi giấy phép, và bán ra thị trường, là trái quy định. 

Dư luận cũng thắc mắc, trên giấy Công bố sản phẩm do Cục ATTP cấp, thì địa chỉ của Cty Medicom ở số 51 đường Nguyễn Khả Trạc, phường Mai Dịch, thế nhưng trên thực tế địa chỉ hoạt động của đơn vị này lại ở tầng 4, tòa nhà Vimeco Lô E9 đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Như vậy, nếu như khách hàng tiêu dùng sản phẩm muốn liên hệ phản hồi về sản phẩm, hoặc ngay cả khi cơ quan chức năng quản lý muốn kiếm trả hoạt động của đơn vị này thì sẽ rất khó liên lạc bởi địa chỉ đăng ký một nơi, nhưng địa chỉ hoạt động lại một nẻo. 

Truyền hình Người đưa tin sẽ tiếp tục tìm hiểu về các nhân vật được coi là những “siêu lừa” trong ngành Đông y online như Trung OBD, Cường Kiwi, Nam Sơn sữa non Mama, Nhung Gobig, v.v... để thông tin đến bạn đọc.

Nhóm PV

Quý đơn vị có nhu cầu quảng cáo vui lòng liên hệ hotline 0986.836.036