Giải pháp hiệu quả cho công tác GPMB ở quận Cầu Giấy, Hà Nội: Cần chú trọng dân vận, hạn chế quan liêu

07/08/2024 10:57

Theo dõi trên

Trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), việc chú trọng công tác dân vận, đẩy mạnh tuyên truyền và tôn trọng quyền tiếp cận thông tin của người dân đóng vai trò quan trọng để tạo sự đồng thuận giữa các bên. Ngược lại, sự quan liêu, áp đặt từ cơ quan chức năng, hoặc sự thiếu hợp tác từ người dân, có thể dẫn đến những “điểm nóng” cho địa bàn.

Năm 2009, UBND TP Hà Nội ra quyết định số 6780/QĐ-UBND về việc thu hồi 244.988m2 đất tại các phường: Dịch Vọng, Dịch Vọng Hậu và Yên Hòa, quận Cầu Giấy (trong đó riêng phường Yên Hoà là 214.148m2); giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất và quản lý duy tu hạ tầng đô thị quận Cầu Giấy, để bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật phần còn lại Khu đô thị mới Cầu Giấy.

Tiếp đến, ngày 14/07/2023, UBND quận Cầu Giấy ban hành Quyết định 1090/QĐ-UBND về việc phê duyệt bổ sung phương án bồi thường hỗ trợ về tài sản khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật phần còn lại Khu đô thị mới Cầu Giấy. 

UBND quận Cầu Giấy tiến hành tổ chức niêm yết công khai Quyết định phê duyệt kèm phương án chi tiết bồi thường hỗ trợ về tài sản; thực hiện chi trả tiền cho bà Nguyễn Thị Đoàn (trú tại TDP 7, Đình Thôn, phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) với số tiền hơn 159 triệu đồng sau khi GPMB tại số 68 đường Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy. Bà Đoàn được xác định là chủ sở hữu tài sản trên đất.

4eab92dacf4e6a10335f7-1722575706.jpg
Ô đất số 68 Dương Đình Nghệ trước khi bị cưỡng chế thu hồi

Ngày 17/07/2023, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư UBND quận Cầu Giấy có Thông báo số 11/TB-HĐBT về việc công khai 01 Quyết định phê duyệt bổ sung phương án bồi thường hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật phần còn lại của Khu đô thị mới Cầu Giấy. 

Tiếp đó, ngày 21/08/2023, UBND quận Cầu Giấy ban hành Quyết định 1286/QĐ- UBND về việc cưỡng chế thực hiện Quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án.

Tại Quyết định nêu rõ: Hợp tác xã Đầu tư xây dựng thương mại (HTX ĐTXDTM) Yên Hòa là chủ sử dụng đất đối với diện tích 7.583,1m2 thuộc ô đất E2 - Khu đô thị mới Cầu Giấy (số 68 đường Dương Đình Nghệ) đã thực hiện việc bàn giao mặt bằng cho Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Cầu Giấy theo Quyết định số 6780/QĐ-UBND ngày 28/12/2009 của UBND TP Hà Nội nhưng bà Nguyễn Thị Đoàn (chủ sở hữu tài sản trên đất) không thực hiện việc tháo dỡ, di chuyển tài sản trên đất ra khỏi khu đất thuộc chỉ giới GPMB để thực hiện dự án. Qua đó, UBND quận Cầu Giấy áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất tại đây. Thời gian hoàn thành cưỡng chế trước ngày 30/09/2023. Việc cưỡng chế sau đó đã được thực hiện.

Người dân được quyền tiếp cận thông tin

Bà Nguyễn Thị Đoàn (người có tài sản bị cưỡng chế) cho hay: Trước năm 1996 bà Đoàn được Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp hợp nhất (nay là HTX ĐTXDTM Yên Hoà) giao cho khoảng 10ha đất tại phường Yên Hoà để cải tạo, sản xuất nông nghiệp. Tại thời điểm đó, đây là khu ngập trũng, hoang hoá. Trong giai đoạn đô thị quận Cầu Giấy mở rộng vào năm 2013, chính quyền đã thu hồi 09ha đất, còn lại 01ha (nay là số 68 Dương Đình Nghệ) tôi vẫn quản lý để sản xuất cho đến thời điểm bị cưỡng chế tháng 09 năm 2023.

Cũng theo bà Đoàn, việc được giao, quản lý và sử dụng đất được chính quyền địa phương và Hợp tác xã xác nhận bằng văn bản. Sau khi phần lớn diện tích bị thu hồi, 01ha còn lại phía HTX và UBND phường cũng xác nhận việc bà Đoàn vẫn tiếp tục sử dụng.

4983e4f8b96c1c32457d10-1722575706.jpg
Ô đất số 68 Dương Đình Nghệ sau khi bị cưỡng chế 

Diện tích 01ha này sau đó được bà Đoàn dùng để góp cổ phần vào Công ty Cổ phần quản lý tài nguyên nước Đan Mạch để lập dự án đầu tư. Tại các văn bản số 53/TB-VP ngày 15/03/2017, Thông báo số 222-TB-UBND ngày 12/03/2018, và Công văn số 7744/TB-VP ngày 09/09/2020, UBND TP Hà Nội đã đồng ý về mặt chủ trương cho phép Công ty Đan Mạch nghiên cứu lập dự án, đề xuất quy hoạch để thực hiện dự án Xây dựng bãi đỗ xe ngầm kết hợp công viên cây xanh và dịch vụ thương mại tại khu đất số 68 Dương Đình Nghệ. 

Ngày 05/08/2021, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hà Nội cũng có Văn bản số 3796/QHKT-TMB-PAKT chấp thuận phương án kiến trúc sở bộ và quy hoạch tổng thể mặt bằng 1/500 của dự án. Một số Sở ngành khác của Hà Nội cũng có văn bản liên quan đến dự án của Công ty Đan Mạch.

Trong quá trình triển khai các bước tiếp theo, do đại dịch Covid, Công ty Đan Mạch phải trì hoãn một thời gian, sau đó tiếp tục triển khai các thủ tục liên quan. 

Bà Đoàn cho rằng, năm 2013 bà Đoàn và HTX đã bàn giao 09ha nằm trong quyết định thu hồi số 6780 của TP Hà Nội. Còn 01ha còn lại nằm ngoài chỉ giới thu hồi.

3aebbd5c-7aad-41b0-ae9b-cec96d62c70b-1722915716.jfif
Bà Đoàn cho rằng ô đất số 68 Dương Đình Nghệ không nằm trong diện tích đất mà UBND TP Hà Nội có Quyết định thu hồi năm 2009, nếu nằm trong thì bà Đoàn cũng mong muốn cơ quan chức năng được cho bà tiếp cận bản đồ theo Quyết định 6780 của UBND TP. 

Tại Điều 1 của Quyết định 6780 của UBND TP Hà Nội, có ghi rõ: Vị trí, ranh giới, diện tích khu đất xác định tại Bản đồ Quy hoạch, tổng mặt bằng sử dụng đất QH-04 (gồm 16 bản vẽ), tỉ lệ 1/500 do Trung tâm phát triển vùng SENA lập tháng 03/2007, được Sở Quy hoạch - Kiến trúc xác nhận phù hợp với Quyết định số 39/2007/QĐ-UBND ngày 30/03/2007 của UBND Thành phố. 

Khi UBND quận Cầu Giấy có quyết định thu hồi bổ sung, sau đó tiến hành cưỡng chế, bà Đoàn đã liên hệ một số cơ quan liên quan, đề nghị cung cấp bản đồ, tài liệu kèm theo Quyết định 6780 để làm rõ gần 01ha bà Đoàn đang sử dụng có nằm trong ranh giới thu hồi hay không, từ đó để chủ động chấp hành bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, UBND quận Cầu Giấy chỉ trả lời bằng văn bản khu đất 68 Dương Đình Nghệ “nằm trong phạm vi Quyết định 6780 của UBND Thành phố”, còn yêu cầu chính đáng được tiếp cận bản đồ kèm theo quyết định 6780 thì không được đáp ứng.

dc3c0e4e53daf684afcb8-1722575706.jpg
Yêu cầu chính đáng của bà Đoàn là được tiếp cận bản đồ kèm theo quyết định 6780 không được đáp ứng

Quận cung cấp cho PV bản đồ… không dấu

Vấn đề mấu chốt trong vụ việc này, là làm rõ diện tích gần 01ha (68 Dương Đình Nghệ, Hà Nội) có nằm trong ranh giới thu hồi theo bản đồ, tài liệu được đề cập tại Điều 1 của Quyết định 6780 hay không. Nếu khu đất 68 Dương Đình Nghệ nằm trong ranh giới được xác định tại bản đồ kèm theo Quyết định 6780 thì bà Đoàn có nghĩa vụ chấp hành. 

Ngày 07/05/2024, Người đưa tin TV đã liên hệ UBND quận Cầu Giấy đề nghị tiếp cận bản đồ, tài liệu được đề cập tại Điều 1 Quyết định 6780 của UBND TP Hà Nội, để làm rõ khu đất 68 Dương Đình Nghệ nằm trong hay ngoài phạm vi thu hồi. Từ đó tuyên truyền để người dân hiểu và chấp hành chủ trương, quy định pháp luật. 

Hơn 2 tháng sau, ngày 12/07/2024, UBND quận Cầu Giấy giao cho ông Phạm Bình Dương - PGĐ BQL dự án ĐTXD quận Cầu Giấy, làm việc với PV. Tại buổi làm việc, PV được đại diện UBND Quận cung cấp một số tài liệu bản phô tô cùng bản sơ đồ phác hoạ mốc giới không dấu. Mặc dù trước đó, toà soạn đã có GGT kèm văn bản ghi rõ nội dung làm việc là bản đồ ranh giới thu hồi kèm theo Quyết định 6780 của Thành phố. 

Đâu là giải pháp?

Hiện tại, TAND TP Hà Nội đã có quyết định thụ lý vụ án với nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Đoàn, người bị kiện là Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, người có quyền và nghĩa vụ liên quan là UBND phường Yên Hòa. Chưa bàn tới ai thắng ai thua, mà có thể thấy ngay được sự phức tạp khi cả hai bên chính quyền và người dân đều mất thời gian, công sức để đáo tụng đình. 

Mà lẽ ra, sự việc hoàn toàn có thể được giải quyết khi các cơ quan chức năng phường, quận đáp ứng quyền tiếp cận thông tin của người dân được quy định tại Luật Tiếp cận thông tin, cung cấp các tài liệu, hồ sơ hợp pháp đính kèm, được đề cập tại Điều 1 Quyết định 6780 của Thành phố. Đồng thời chú trọng công tác dân vận, tuyên truyền để người dân hiểu và đồng thuận với chính quyền. 

799614e34977ec29b5669-1722575706.jpg
Bà Đoàn đau xót khi nhìn hiện trạng khu đất 68 Dương Đình Nghệ công sức hơn 20 năm của bà

Trong công tác giải phóng mặt bằng, điều quan trọng nhất là phải tránh bệnh quan liêu. Cán bộ làm công tác GPMB phải gần dân, thấu hiểu, đặt mình vào vị trí của người dân. 

Gần dân, tránh quan liêu, tôn trọng quyền tiếp cận thông tin của người dân, đẩy mạnh tuyên truyền, là chìa khoá tạo sự đồng thuận giữa chính quyền và nhân dân.

(Còn nữa)

Nguyễn Trung - Hoàng Phương

Quý đơn vị có nhu cầu quảng cáo vui lòng liên hệ hotline 0986.836.036