Núi đá Sài Sơn nằm trong cụm di tích chùa Thầy, thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội. Năm 2014 cả cụm di tích chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt nên được quản lý, bảo vệ rất nghiêm ngặt.
Theo người dân, từ nhiều năm trước, tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt này có hàng trăm cây gỗ sưa đỏ, trong đó nhiều cây có tuổi đời chừng trăm năm, một người ôm không hết.
Sưa đỏ (hay còn gọi là Huê Mộc Vàng), đây là loại gỗ thuộc bảng A thực vật rừng trong nhóm I thực vật rừng, động vật rừng có giá trị lớn, bị nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại.
Ngày 31/7/2024, trao đổi với PV Người đưa tin TV qua điện thoại, ông Nguyễn Hữu Sơn, Chánh văn phòng UBND huyện Quốc Oai khẳng định, những năm gần đây không có cá nhân hay tổ chức nào được cấp phép khai thác gỗ sưa tại khu vực núi đá Sài Sơn.
Thế nhưng, theo ghi nhận của PV suốt nhiều tháng qua, khi đi sâu vào núi Sài Sơn thì không thấy có bất kỳ cây sưa cỡ đại nào. Có chăng chỉ là hàng trăm vết đào bới nham nhở, nhiều vết cắt ngang dọc trên những cây gỗ sưa có đường kính chừng 40cm - 50cm của nhóm lâm tặc để lại.
Hậu quả là khiến hàng trăm cây sưa chết la liệt, nhiều gốc thì đã mục nát, trong đó có gốc, cành vẫn còn tươi nguyên, cho thấy những cây này chỉ mới được chặt hạ cách đây ít ngày.
Nhóm lâm tặc chỉ cắt ngang thân cây và sát gốc với mục đích lấy một đoạn gốc có lõi. Những cây không có lõi, các đối tượng liền bỏ lại khiến nhiều cây bị chết yểu, đổ gãy.
Núi Sài Sơn nay đã bị xâm phạm nghiêm trọng với nhiều dấu vết của nhóm lâm tặc để lại như áo mưa, dây dù, dây điện, vỏ chai nước, thậm chí là cả những chiếc cưa tay bị hỏng.
Cũng theo ghi nhận của PV, những cây sưa cổ thụ ở khu di tích núi Sài Sơn chỉ còn sót lại chừng 5 - 6 cây với đường kính chừng 160 - 250cm. Đây là những cây có vị trí giáp khu dân cư, dù đã được người dân tích cực canh giữ, bảo vệ nhưng vẫn bị nhóm “sưa tặc” rình mò cắt trộm tại nhiều vị trí.
Trong đó, một cây nằm sát nhà dân đã được cuốn dây thép gai, viết biển báo và 2 chiếc camera để giám sát nhưng vẫn nhiều lần bị nhóm sưa tặc đục đẽo, cắt một phần gốc, đứng trước nguy cơ bị chết, đổ gãy bất cứ lúc nào.
Một dân địa phương cho hay: “Để bảo vệ cây sưa gia đình tôi đã rào cây bằng thép gai, gắn thêm biển cảnh báo, đồng thời lắp camera để theo dõi nhưng vẫn bị các đối tượng bắn hỏng camera để đục khoét cây sưa”.
Còn 2 cây này nằm sát ven đường lên chùa Cao chừng 2 đến 10 mét, nhìn từ xa thì cây vẫn giống như xanh tốt, khỏe mạnh, nhưng thực tế đã bị nhóm “sưa tặc” cắt một cành lớn, vết cắt thì vẫn còn rất tươi mới.
Cây còn lại cũng mang trên mình nhiều vết thương khi cả 2 cành lớn đều bị cắt cụt, dưới gốc thì bị đào bới nham nhở để cắt đi một đoạn rễ lớn.
Đặc biệt hơn, theo nghiên cứu và tài liệu của PV, đầu năm 2024, tại vách núi sát chùa Cao có một “cụ sưa” có đường kính chừng 150cm mọc giữa khe đá cũng được quây, buộc kỹ bằng một lớp lưới sắt.
Thế nhưng cuối tháng 6 vừa qua, khi PV quay lại đây thì cả “cụ sưa” và số lưới sắt đã “biến mất”, hình ảnh còn lại chỉ là những thứ đổ nát.
Nhóm sưa tặc còn có thời gian để phá cả những tảng đá lớn để đào lấy cả gốc lẫn rễ cây, đồng thời kéo tất cả cành, ngọn cây đi cất dấu nhằm phi tang, xóa dấu vết.
Người dân địa phương, cho biết: “Trước đây cả núi đá Sài Sơn này ở đâu cũng có cây sưa, mà toàn cây to. Bây giờ thì chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, vì bị cưa trộm sắp hết rồi”.
Một người dân khác, nói: “Khu di tích Quốc gia đặc biệt phải có sự bảo quản chứ, sao lại để người ta trộm cắp cây gỗ sưa dễ như thế được”.
Sau khi xem kỹ những hình ảnh mà PV cung cấp, ông Đàm Thanh Cường ở Bắc Ninh - một nhà buôn lớn có nhiều năm kinh nghiệm trong việc mua bán gỗ bằng cân, đặc biệt là gỗ sưa đỏ khẳng định: “Nhìn vào những lá, quả và thớ cắt của những cây gỗ trên thì có thể khẳng định đây là những cây gỗ sưa đỏ. Đối với những cây có đường kính khoảng 200cm, tuổi đời trên 80 năm mà nhiều lõi đẹp thì giá trị là rất lớn, khoảng 5-6 tỷ/ 1 cây”.
Việc nhiều cây gỗ sưa trên núi đá Sài Sơn thuộc di tích Quốc gia đặc biệt, có vị trí nằm ngay đối diện và cách UBND xã Sài Sơn chỉ chừng 300m bị khai thác trái phép, chặt phá suốt thời gian dài là điều rất khó hiểu, không chỉ khiến dư luận bức xúc mà còn gây thất thoát tài nguyên và ngân sách của Quốc gia.
Bài sau: Cần làm rõ hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng