Phải xử nghiêm các đơn vị quảng cáo láo bằng "người nổi tiếng, chuyên gia tây" để lừa dối người bệnh

11/10/2024 15:19

Theo dõi trên

Thời gian qua, mặc dù Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế đã rất quyết liệt trong việc kiểm tra xử lý vi phạm quy định về quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung. Tuy nhiên, có thể do chế tài xử phạt có thể vẫn còn chưa đủ mạnh, nên hàng loạt đơn vị sản xuất kinh doanh loại thực phẩm này vẫn bất chấp để vi phạm, lừa dối cả những nạn nhân là những người lớn tuổi vốn yếu thế.

 

"Nổ" công dụng thực phẩm bổ sung... chữa được bệnh

"Chỉ 1 ly duy nhất khỏi ngay bệnh trào ngược dạ dày; Cam kết chữa dứt điểm không bao giờ tái lại; Cứ uống vào là khỏi, hiệu quả số 1 thế giới, v.v...", những thông tin quảng cáo về sản phẩm Hào Kim, có thể chữa khỏi dứt điểm bệnh về dạ dày, kèm theo đó là hàng loạt hình ảnh nghệ sĩ nổi tiếng quảng cáo cho sản phẩm này, đã khiến nhiều người bệnh tin tưởng “sập bẫy”, bỏ ra số tiền lớn để chữa bệnh dạ dày.

Theo nghiên cứu và tìm hiểu của Người Đưa Tin TV, sản phẩm Hào Kim, chỉ là thực phẩm bổ sung của Công ty cổ phần thương mại Trà Hoa Đinh, có địa chỉ tại số 21 đường Trần Đăng Ninh, phường Phú La, quận Hà Đông, Hà Nội. Người đại diện pháp luật là ông Đinh Ngọc Hải. 

Theo bản tự công bố sản phẩm vào ngày 18/8/2024 trên cổng thông tin Chi Cục chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội): Sản phẩm Hào Kim được sản xuất tại Công ty cổ phần thương mại quốc tế Otis Việt Nam (có địa chỉ số 28, đường Bến Trung, xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội).

z5846500236813-b579d3f000ba95f50735d6382d470305-1726735269.jpg
z5846500195598-499d064fa671212477c9588fd19750b9-1726735269.jpg
Mạng xã hội xuất hiện hàng loạt hình ảnh các nghệ sĩ nổi tiếng quảng cáo cho sản phẩm Hào Kim, khiến người bệnh tin tưởng

Theo hồ sơ lưu tại trang website của Chi Cục chất lượng, chế biến và phát triển thị trường Hà Nội, mục tự công bố sản phẩm Hào Kim, phần ghi chú thể hiện đơn vị này chưa ký cam kết ATTP theo Thông tư 17/2018/TT-BNNPTNT; thông tin mã số doanh nghiệp không đúng.

Như vậy, Hào Kim chỉ là một loại thức uống bổ sung tự công bố sản phẩm, thực phẩm này không phải là thuốc, cũng không có tác dụng chữa bệnh dạ dày.

Thế nhưng, thời gian qua, sản phẩm này lại gắn mác là “sữa” rồi tổ chức chạy quảng cáo tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội, với nhiều thông tin, cam kết chữa khỏi dứt điểm bệnh dạ dày, cùng với đó là hàng loạt hình ảnh nghệ sĩ nổi tiếng quảng cáo cho sản phẩm này.

Đáng nói, trong các clip, hình ảnh quảng cáo thực phẩm bổ sung Hào Kim còn sử dụng hình ảnh, trang phục bác sĩ, dược sĩ để quảng cáo, bất chấp các quy định của pháp luật hiện hành. 

z5846627566801-c145a8b1e16b6a110eb7f7947b0d55ad-1726736945.jpg
Người phụ nữ mặc trang phục y tế quảng cáo thổi phồng công dụng sản phẩm bổ sung Hào Kim, có thể chữa dứt điểm bệnh dạ dày

PV đã vào vai người mắc bệnh dạ dày, liên hệ theo số điện thoại trên một Fanpage đang quảng cáo “sữa” hạt đặc trị dạ dày Hào Kim, lập tực được một người giọng đàn ông xưng tên Thành nghe máy. Sau một hồi tư vấn và cảnh báo về các nguy hiểm của bệnh dạ dày nếu không điều trị dứt điểm, vị này đưa ra một phác đồ điều trị bằng thực phẩm bổ sung sữa hạt Hào Kim: “uống 2 lần/ ngày, điều trị trong 2 tháng, với 3 hộp sữa Hào Kim. Mỗi một hộp có giá trị niêm yết công khai của Bộ Y tế là 1.900.000đ, lộ trình điều trị trong 2 tháng thì tất cả sẽ rơi vào 5.700.000đ, với 3 hộp. Cam kết chữa khỏi dứt điểm bệnh dạ dày”.

Một liệu trình với 3 hộp “sữa” hạt, có giá gần 6 triệu đồng, là số tiền không hề nhỏ, dù đây chỉ là thực phẩm bổ sung. Còn thông tin chữa dứt điểm bệnh dạ dày bằng thức uống này, thì chưa một cơ quan nào của Bộ Y tế chứng nhận.

Đằng sau mác hợp tác Hoa Kỳ là cả một ekip "truyền thông bẩn"

Sản phẩm “sữa” Hào Kim được quảng cáo sai sự thật, lừa dối người tiêu dùng là vậy, thế nhưng vẫn còn kém thua một bậc so với sản phẩm “sữa” Emilax sure, trong việc quảng cáo lừa dối, giăng bẫy người tiêu dùng, người bệnh.

Cụ thể, theo nghiên cứu và tìm hiểu của PV, Emilax sure chỉ là thực phẩm bổ sung, nhưng trên các nền tảng mạng xã hội, sản phẩm này được “thổi phồng” công dụng quảng cáo, như: sữa bổ não nhập khẩu từ Hoa Kỳ chính hãng, tăng cường trí nhớ, phòng chống tai biến, đột quỵ, dinh dưỡng cho sức khỏe trường thọ, uống 2 ly mỗi ngày giúp kéo dài tuổi thọ…

Thậm chí, họ còn dựng phim hoạt hình về truyền thuyết sữa Emilax sure trường thọ, có nội dung vua sai hoàng tử đi tìm phương thuốc Emilax sure để chữa bệnh cho cả vương quốc, xem sản phẩm này như một bảo bối quý giá, đẩy lùi bệnh tật…

z5846777224017-59d32cf3e8da838a105f9168139311df-1726739399.jpg
Dựng phim hoạt hình, quảng cáo sản phẩm Emilax sure như một phương thuốc quý chữa bệnh

Một số thông tin quảng cáo, còn cho rằng sản phẩm Emilax sure có sự hợp tác chuyển giao công nghệ với Hoa Kỳ. 

Clip này nói về một buổi lễ chuyển giao công nghệ Hoa Kỳ được tổ chức rất trang trọng. Đáng chú ý, có sự xuất hiện hình ảnh ký kết giữa một người đàn ông Việt Nam với người đàn ông nước ngoài. Người này được giới thiệu là Tiến sĩ, Giáo sư dinh dưỡng, đến từ cái gọi là Bệnh viện Quốc tế Mita Mỹ.

z5846500292246-7b5bfc40b56310221a12febae6fb9b77-1726735269.jpg
Nghi vấn dàn dựng hợp tác với Hoa Kỳ

Thế nhưng, qua tìm hiểu, được biết người đàn ông nước ngoài này thực chất là một giáo viên người Nga, đang dạy tiếng tại Hà Nội. Ngoài giờ dạy học, người này được giới truyền thông “bẩn” thuê đi đóng quảng cáo với giá 1.5 triệu đồng/ giờ, mỗi clip lại có một tên khác, một chức danh, học vị, học hàm khác nhau.

Một nhân vật nước ngoài khác cũng được thuê vào vai chuyên gia dinh dưỡng Hoa Kỳ, tập đoàn Astracos, để quảng cáo về công dụng của sản phẩm Emilax sure.

z5846500175568-02a9c02bacf404f0bbaea5b57d62fb53-1726735269.jpg
Phóng viên xác minh danh tính những người nước ngoài xuất hiện trong các clip quảng cáo sản phẩm Emilax sure

Những diễn viên này sau khi đóng quảng cáo xong thường được nhận thù lao luôn. Với kiểu “tiền trao cháo múc” như thế này, có thể dẫn đến tình trạng không kê khai thuế, trốn thuế, dẫn đến thất thu ngân sách Nhà nước. Bởi mức thù lao trả cho diễn viên đóng quảng cáo là không hề nhỏ, dao động từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng/nhãn hàng.

Không dừng lại ở đó, họ còn dựng video giống đài truyền hình quốc tế, có người dẫn chương trình là người nước ngoài, phát các đoạn video quảng cáo Emilax sure.

Như vậy, bằng những chiêu trò dàn dựng quảng cáo khá tinh vi, họ đã biến thực phẩm bổ sung Emilax sure lên hàng "thần dược" tầm quốc tế.

z5846500256069-bf11aa5b56337e0497d5dd2cd213d1e8-1726735269.jpg
Dấu hiệu trốn thuế khi thuê diễn viên đóng quảng cáo 

Thông tin tới phóng viên Người Đưa Tin TV, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết, khi vi phạm pháp luật về quảng cáo, mọi công dân, tổ chức, bao gồm nghệ sĩ, diễn viên, người của công chúng… đều phải chịu xử lý nghiêm của pháp luật. Đối với người tiêu dùng, khi xem quảng cáo trên mạng xã hội cần lưu ý phân biệt các dấu hiệu vi phạm trong quảng cáo, ví dụ: Uống thực phẩm bảo vệ sức khỏe sau đó khỏi bệnh, có hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế giới thiệu về sản phẩm, không có dòng chữ “thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”, đều là quảng cáo vi phạm.

(Còn tiếp)

Phong Hào - Minh Hoàng

Quý đơn vị có nhu cầu quảng cáo vui lòng liên hệ hotline 0986.836.036