Gas là mặt hàng kinh doanh có điều kiện có nguy cơ cháy nổ cao. Để kinh doanh gas, doanh nghiệp phải đầu tư nhiều tỷ đồng vào hạ tầng, kho bãi, bồn chứa và các vỏ bình gas với nhiều công sức, tâm huyết để tạo nên thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường.
Do là mặt hàng thiết yếu, nhu cầu sử dụng cao, nên nhiều tổ chức, cá nhân đã tìm cách lén lút sản xuất, kinh doanh gas trái phép, từ đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ về cháy nổ, gây lũng đoạn thị trường gas.
Hồi đầu tháng 3/2024, một vụ nổ lớn xảy ra tại khu nhà xưởng sang chiết gas trái phép rộng chừng 300m2 ở thôn Đỗ Hà, xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, Hà Nội. Hậu quả làm 2 người tử vong và 1 người bị thương nặng, tại đống đổ nát, cơ quan chức năng phát hiện hàng trăm vỏ bình gas, bồn loại chứa khí gas.
Còn nhớ năm 2018, một vụ hoả hoạn xảy ra từ một ngôi nhà 3 tầng trên đường Đàm Quang Trung, phường Long Biên, Hà Nội, khiến một cụ già 96 tuổi tử vong. Theo thông tin tử UBND phường, chủ của ngôi nhà này đã có hoạt động kinh doanh, buôn bán gas trái phép và đã từng bị xử phạt 15 triệu đồng, nhưng vẫn lén lút hoạt động.
Dù đã có nhiều vụ hỏa hoạn thương tâm xảy ra, thiệt hại về cả người và tài sản là rất lớn nhưng nhiều cá nhân, tổ chức vẫn bất chấp, lén lút chiết nạp gas trái phép. Nhiều trường hợp bị cơ quan chức năng phát hiện, xử phạt, thậm chí là khởi tố hình sự, nhưng vẫn không đủ sức răn đe, không biết sợ.
Vụ việc ở huyện Thanh Trì, Hà Nội là một ví dụ. Ngày 18/4/2023, CA huyện Thanh Trì, đã kiểm tra một nhà kho ở thôn Đại Áng, xã Đại Áng.
Lực lượng chức năng ghi nhận một xe ô tô chở gần 300 bình gas của nhiều hiệu khác nhau như: Petro Hồng Hà, Bình An Petro, Petro Tài Lộc, Venus, Sellan gas…, xe còn lại chở bồn loại chứa khí gas đã được hoán cải tinh vi; 5 cây chiết nạp gas có đường ống ống đấu nối với xe bồn chở khí. Người phụ nữ tên Vân đến nhận là chủ của xưởng gas trên, sau đó cơ quan chức năng lập biên bản, niêm phong và tạm giữ toàn bộ số tang vật để điều tra làm rõ.
Mới đây nhất, ngày 2/8/2024, Đội QLTT số 7, Cục QLTT TP Hà Nội phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ – Công an huyện Thanh Trì khám xét khu vực nhà kho của bà Trịnh Thanh Vân, tại thôn 1, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì.
Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện và tạm giữ 2 chiếc xe ô tô tải có chứa đựng bình gas và thiết bị dùng để san chiết gas, trong đó: Một xe do bà Trịnh Thanh Vân là lái xe, trên thùng xe có bồn chứa khí LPG, được nối trực tiếp với 03 cây san chiết khí gas. Chiếc còn lại, do ông Phạm Quang Trung điều khiển, thùng xe có chứa 65 bình LPG đã được nạp khí gas.
Trong nhà kho còn có 553 vỏ bình gas loại 12kg mang nhiều nhãn hiệu khác nhau và 12kg màng co bằng nilon chưa qua sử dụng mang nhãn hiệu: Vạn Lộc gas và Venus Petrol gas.
Tổ công tác xác định bà Trịnh Thanh Vân có dấu hiệu “thực hiện hành vi san, chiết, nạp gas trái phép từ bồn chứa khí vào chai LPG”. Qua đó, lập biên bản tạm giữ toàn bộ tang vật, phương tiện trên để xác minh làm rõ vụ việc.
Trước đó, vào đêm ngày 28/8/2023, tại xã Thụy Phú, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, lực lượng chức năng kiểm tra và ghi nhận nhiều đối tượng đang có hành vi san chiết hàng trăm bình gas các loại, mang thương hiệu: Thăng Long, Venus, Hồng Hà, Asia, Hải Dương gas..., rồi chờ mang đi tiêu thụ.
Trước việc nhiều cá nhân, tổ chức san chiết nạp gas trái phép ảnh hưởng lớn đến uy tín, chất lượng của nhiều doanh nghiệp chân chính, làm lũng đoạn thị trường gas, mới đây Chi Hội gas miền Bắc - Hiệp Hội gas Việt Nam đã có đơn cầu cứu và tố giác tội phạm gửi đến nhiều cơ quan chức năng TP Hà Nội để đề nghị xem xét khởi tố vụ án hình sự để điều tra làm rõ các hành vi: chiết nạp LPG trái phép; làm giả hàng hóa, nhãn hiệu; thu gom và chiếm giữ vỏ bình gas trái phép ở huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Theo Chi Hội gas miền Bắc, hai vụ việc cơ quan chức năng bắt giữ ở huyện Thanh Trì và một vụ việc ở huyện Phú xuyên vừa qua có nhiều hành vi, cách thức hoạt động tương tự nhau. Đặc biệt người tên Vân đều đứng ra nhận là chủ tài sản trên nên có dấu hiệu vi phạm nhiều lần.
Qua đó, Chi Hội gas miền Bắc đề nghị cơ quan chức năng cần điều tra làm rõ hành vi vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định, đồng thời trả tài sản hợp pháp là các vỏ bình gas đã bị các nhóm đối tượng chiếm giữ trái phép.
Có thể thấy, vì lợi nhuận mà nhiều tổ chức, cá nhân đã bất chấp quy định của pháp luật, thực hiện việc chiết nạp gas trái phép. Đây là việc làm nguy hiểm khôn lường, bởi các bình gas được chiết nạp trái phép khi đưa ra thị trường sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của người tiêu dùng.
Giải pháp để bảo đảm môi trường kinh doanh công bằng, lành mạnh cho các doanh nghiệp hoạt động chân chính là các cơ quan thực thi pháp luật cần có sự kết hợp đồng bộ và hiệu quả trong công tác quản lý, giám sát và tuyên truyền.
Việc tuyên truyền phải kết hợp từ thôn, xã. Đồng thời yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh lĩnh vực gas viết cam kết không vi phạm hoặc tái phạm; nếu cá nhân, tổ chức nào cố tình vi phạm hoặc vi phạm có tổ chức, có đủ căn cứ, dấu hiệu phạm tội thì nên khởi tố hình sự để làm gương, tạo tính răn đe, ngăn ngừa tội phạm tái diễn, tạo nên một môi trường kinh doanh an toàn và lành mạnh.