“Kho báu” trên núi chùa Thầy (Hà Nội) bị “xà xẻo”: Cần làm rõ hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” (bài 2)

12/08/2024 08:55

Theo dõi trên

Trước việc hàng trăm cây sưa đỏ bị chặt phá trái phép tại di tích Quốc gia đặc biệt chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, PV đã đến UBND huyện Quốc Oai và một số cơ quan chuyên môn để tìm hiểu về công tác quản lý cũng như trách nhiệm của những đơn vị này, tuy nhiên…

Như đã phân tích ở video trước, nằm ở vị trí đối diện và cách UBND xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội chỉ chừng 300m, tại di tích Quốc gia đặc biệt chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn có hàng trăm cây sưa đỏ, trong đó có những cây có tuổi đời hàng trăm năm.

Suốt một thời gian dài, núi đá Sài Sơn bị xâm phạm nghiêm trọng, nhiều cây sưa tại khu di tích đã bị “lâm tặc” cắt trộm, nhiều cây có tuổi đời gần trăm năm cũng bị đục đẽo, đang đứng trước nguy cơ bị đổ gãy.

Theo một số nhà buôn gỗ sưa đỏ lâu năm, tại thị trường hiện nay, một cây sưa lâu năm, có nhiều lõi sẽ có giá trị cả chục tỷ đồng.

z5711902481006-a4651570e5781a5bc774b3cce79a2bc9-1723131571.jpg
Vấn nạn "sưa tặc" tại khu di tích Quốc gia đặc biệt chùa Thầy

Ngày 26/7 vừa qua, PV đã đến UBND huyện Quốc Oai để tìm hiểu về công tác quản lý cũng như trách nhiệm của đơn vị này. Theo cán bộ văn phòng UBND huyện thì Chủ tịch UBND huyện giao cho Ông Nguyễn Đắc Lực - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TNMT) cung cấp thông tin cho phóng viên.

Tuy nhiên, ngay cả khi có trong tay bản đồ điện tử và văn bản quyết định của UBND TP Hà Nội ngày 26/2/2024, về việc giao cho chùa Cả (chùa Thầy) hơn 4.300m2 đất để quản lý sử dụng nhưng vị Trưởng phòng TNMT vẫn không thể xác định được thực tế mốc giới chùa Cả được giao quản lý tới đâu, gồm những hạng mục nào, trách nhiệm cụ thể của mỗi bên ra sao, mà chỉ biết núi đá Sài Sơn là rừng đặc dụng do Hạt kiểm lâm số 8 - Quốc Oai, Chương Mỹ quản lý. 

Sau khi loay hoay không làm rõ được vấn đề, ông Lực điện thoại xuống UBND xã Sài Sơn.

z5715189767185-91ee4230bbe4c589b38927f033351950-1723279234.jpg
Buổi làm việc giữa PV (áo caro) với ông Nguyễn Đắc Lực - Trưởng phòng TNMT huyện Quốc Oai

Khi PV trao đổi với bà Nguyễn Thị Hân - Cán bộ địa chính phụ trách lĩnh vực đất đai xã Sài Sơn thì bà Hân cũng có câu trả lời tương tự vị Trưởng phòng TNMT huyện.

Đem những thắc trên, PV trao đổi với ông Nguyễn Văn Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND xã Sài Sơn (phụ trách mảng văn hóa). Ông Nghĩa cho biết, khu di tích Quốc gia đặc biệt nằm trên địa bàn xã nên về mặt mặt tổng thể thì UBND xã chỉ quản lý về địa giới hành chính.

Tuy nhiên theo ông Nghĩa, từ năm 2014, chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt nên theo quy định thì cả khu di tích và núi Sài Sơn do UBND huyện quản lý.

Ông Nghĩa cho biết thêm, UBND huyện có Ban quản lý (BQL) di tích kiêm nhiệm gồm nhiều thành viên là cán bộ, viên chức, công chức của UBND huyện và xã phụ trách. Trong đó ông Nguyễn Đức Nam - Trưởng phòng Văn hóa huyện làm trưởng ban, ông Nguyễn Thiên Mạch - Chủ tịch UBND xã và Trung tá Lê Sơn Hải - Trưởng Công an xã Sài Sơn là thành viên của Ban quản lý.

z5711902288930-c7dd3748ea6f811ad9fce908300770fe-1723131571.jpg
Cả UBND huyện Quốc Oai và UBND xã Sài Sơn vẫn chưa xác định được ranh giới khu vực núi đá chùa Thầy

Để làm rõ vấn đề, PV tiếp tục đến gặp ông Nguyễn Đức Nam - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Quốc Oai (kiêm Trưởng Ban quản lý khu di tích), vị này khẳng định: “BQL chỉ quản lý về văn hóa, lễ hội và các hạng mục di tích chứ không quản lý về vấn đề khác”. Ông Nam lại nhấn mạnh, những vấn đề khác do Phòng TNMT và UBND xã Sài Sơn quản lý.

Đặc biệt hơn, trong buổi làm việc với PV, cả Ông Nguyễn Đắc Lực - Trưởng phòng TNMT huyện và bà Nguyễn Thị Hân - Cán bộ địa chính phụ trách lĩnh vực đất đai xã Sài Sơn đều cho biết, nhiều di tích Quốc gia đặc biệt ở núi Sài Sơn như: Chùa Cao, Đền Thượng, Chùa một mái, Hang cắc cớ,... dù có từ hàng trăm năm trước nhưng đến nay vẫn chưa được đo đạc, chưa được xác định ranh giới nên cả UBND huyện Quốc Oai và UBND xã Sài Sơn vẫn “tù mù” không nắm rõ.

z5715189720196-cf84d27da34889dc103b522acd9b636a-1723279234.jpg
Ông Nguyễn Đức Nam - Trưởng phòng VHTT huyện Quốc Oai, hiện đang kiêm Trưởng BQL di tích Quốc gia đặc biệt chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách 

Có thể thấy công tác quản lý di tích Quốc gia đặc biệt chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn đang có nhiều lỗ hổng lớn. Việc xác định ranh giới cũng chưa đồng nhất dẫn đến khi xảy ra vấn đề phức tạp, cụ thể là vấn nạn trộm cắp gỗ sưa thì các cơ quan chuyên môn lại có dấu hiệu đùn đẩy, thoái thác trách nhiệm cho nhau.

z5711902385844-a9665515a28c078eae16a7c2b5cc4fa4-1723131571.jpg Dù đã được bảo về bằng thép gai, nhưng cây sưa đỏ này vẫn bị đục khoét, có nguy cơ đỗ gãy bất cứ lúc nào

Thế nên việc làm quan trọng nhất lúc này, là UBND TP Hà Nội cần có những chỉ đạo kịp thời nhằm ngăn chặn nạn "sưa tặc", để bảo tồn những cây sưa quý hiếm còn sót lại đang đứng trước nguy cơ bị trộm cắp. Sau đó, giao cho cơ quan công an vào cuộc điều tra, xác minh, làm rõ vụ việc, để xử lý đúng theo quy định của pháp luật.

Từ đó xem xét trách nhiệm của mỗi cá nhân tổ chức liên quan đến công tác quản lý di tích Quốc gia đặc biệt. Đây cũng là cách tốt nhất để tránh tư duy trách nhiệm nhiệm kỳ, ngăn chặn những vấn đề tham nhũng, tiêu cực có thể phát sinh xảy ra trong thời gian tới.

(Còn nữa)

 

Quốc Long - Phong Hào

Quý đơn vị có nhu cầu quảng cáo vui lòng liên hệ hotline 0986.836.036