“Vẽ” ra các “dự án ma” để lừa bán cho nhiều người nhằm chiếm đoạt tài sản - đây là chiêu trò không mới nhưng đang ngày càng tinh vi hơn. Các đối tượng chào mời khách hàng thường hạn chế hoặc chậm cung cấp thông tin pháp lý của dự án.
Một số công ty bất động sản còn tạo uy tín với khách hàng bằng việc chuẩn bị những hình ảnh mô phỏng cụ thể, đưa ra hàng loạt các điều khoản bồi thường, thời gian giao nhà cụ thể… kèm lời hứa chắc chắn sẽ hình thành dự án, căn hộ trong tương lai gần, mang lại “lợi nhuận khủng” cho khách.
Tuy nhiên, khi hết thời hạn hợp đồng, người mua không được bàn giao căn hộ. Khi đi tìm hiểu, thì mới biết mình bị lừa, dự án chỉ nằm trên giấy.
Một số vụ việc với thủ đoạn tương tự như trên đã bị cơ quan chức năng khởi tố, như vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Cổ phần đầu tư thương mại bất động sản Nhật Nam mới bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố hồi tháng 8 vừa qua.
Trong vụ án này, bà Vũ Thị Thúy - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Nhật Nam đã đưa ra thông tin quảng cáo sai sự thật về các dự án để người dân tin tưởng nộp tiền hợp tác kinh doanh. Kết quả điều tra đến nay cho thấy, Công ty Nhật Nam không được cấp phép dự án, không sở hữu bất động sản nào tại tỉnh Bình Thuận, Hòa Bình và huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội… Tuy nhiên vẫn thu khoảng 8.900 tỷ đồng của khoảng 20.000 khách hàng.
Hay hồi tháng 1/2023, TAND TP Hà Nội đã xét xử, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hoàng Long - Cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Nhà Vĩnh Hưng tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Tại vụ án này, dù Dự án 409 Lĩnh Nam (ở Hoàng Mai, Hà Nội) chưa hoàn tất các thủ tục, chưa được cấp phép theo quy định nhưng Nguyễn Hoàng Long vẫn gian dối, tự “vẽ” ra dự án đã được phê duyệt, với nhiều cam kết sẽ bàn giao nhà. Qua đó, Nguyễn Hoàng Long đã câu kết với một số đối tượng ký nhiều hợp đồng, chiếm đoạt của 1.024 khách hàng với tổng số tiền hơn 461 tỷ đồng.
Gần đây nhất, nhiều khách hàng cho biết họ đã gửi đơn tố cáo dấu hiệu “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của Công ty Cổ phần Đầu tư kinh doanh Địa ốc Cường Thịnh, có địa chỉ tại TPHCM (gọi tắt là Công ty Cường Thịnh) đến nhiều cơ quan chức năng khi Công ty này ký hợp đồng chuyển nhượng bất động sản nhưng không bàn giao theo thỏa thuận hợp đồng.
Bà Trần Thị Kim Oanh, trú tại TP HCM, bức xúc: “Tôi ký hợp đồng mua nhà với Công ty Cường Thịnh, giám đốc là ông Hùng Cường từ năm 2019. Hợp đồng cam kết sau 15 tháng là giao nhà cho tôi, nhưng đến bây giờ cuối năm 2023 rồi mà dự án không thấy có căn hộ nào mà chỉ có cái móng thôi. Rất nhiều lần tôi sốt ruột vào xem nhưng bảo vệ không cho tôi vào. Rồi tôi cũng gặp những người cùng mua sản phẩm của Cường Thịnh như tôi đều không nhận được nhà, phải gần 200 người như tôi rồi, số tiền mà Cường Thịnh lừa phải gần 100 tỷ đồng rồi".
Ông Văn Bá Trường Hải, trú tại TP HCM, cho biết: “Tôi có mua một dự án của Cty Cường Thịnh ở Luỹ Bán Bích từ tháng 9/2019 với giá gần 600 triệu đồng, nhưng đến nay Cty Cường Thịnh không có động thái xây dựng công trình này hết".
“Tôi mua dự án căn hộ mini Gò Dầu của Cường Thịnh từ tháng 6/2020, số tiền mua là mẹ em dành dụm, tích góp cho em, đến bây giờ mẹ em mất được gần 2 năm rồi mà tới bây giờ em vẫn chưa có nhà. Em bức xúc lắm, mẹ em nằm viện 5 năm trời mà không dám dùng số tiền đó mà để cho em mua nhà, tới khi mẹ bệnh nặng rồi em cũng không có tiền giúp mẹ em được, mất trắng bị Cường Thịnh lừa rồi”, Chị Phạm Thị Mỹ Lệ, trú tại TP HCM, nghẹn ngào nói.
Theo Báo Xây dựng đưa tin hồi tháng 8/2023, sau khi nhận được đơn của bà Nguyễn Thu Trang (ở quận Phú Nhuận, TP HCM) kiến nghị về việc Công ty Cường Thịnh ký hợp đồng bán căn hộ ở dự án “Khu nhà ở kết hợp khách sạn Nguyễn Thị Thập” tại hẻm 134 Nguyễn Thị Thập, khu phố 4, phường Bình Thuận cho bà với giá 930.000.000 đ nhưng không được bàn giao nhà. Sau đó, UBND phường Bình Thuận đã rà soát và xác định, tại địa chỉ trên không có dự án nào mang tên “Khu nhà ở kết hợp khách sạn Nguyễn Thị Thập”.
UBND phường Bình Thuận cho biết, từ năm 2019, phường đã làm việc với đại diện Công ty Cường Thịnh, yêu cầu chấm dứt các hoạt động rao bán, kinh doanh căn hộ mini trong dự án “Khu nhà ở kết hợp khách sạn Nguyễn Thị Thập”; gỡ các thông tin không đúng sự thật đã đăng trên mạng internet vì trên địa bàn phường không có dự án này.
“Tôi mua công trình ở Nguyễn Thị Thập này của Cty Cường Thịnh, từ đầu năm 2023 Cty Cường Thịnh tránh né việc trả tiền cho khách hàng, chuyển địa chỉ công ty rất nhiều lần, đến giờ không tìm được giám đốc, chủ đầu tư nữa, mất liên lạc luôn rồi”, người dân cho biết.
Được biết, liên quan đến Công ty Cường Thịnh, sau khi nhận được đơn tố giác của bà Đỗ Thị Minh Hường “tố” Công ty Cường Thịnh trong vụ việc mua bán nhà đất, ngày 26/6/2023, Công an Quận 6, TP Hồ Chí Minh đã chuyển đơn của bà Hường đến Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế và chức vụ, CATP Hồ Chí Minh vì cơ quan này đang thụ lý vụ án liên quan đến Công ty Cường Thịnh.
Trước đó, theo nghiên cứu, tìm hiểu của PV, ngày 28/12/2022, TAND TP HCM có Bản án số 840/2020/DS-PT về việc tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng nhà dịch vụ giữa ông Trần Thanh Cường và Công ty Cường Thịnh.
Theo nội dung vụ án, năm 2020 ông Cường và Công ty Cường Thịnh ký kết chuyển nhượng quyền sử dụng 02 căn hộ nhà dịch vụ Lê Đình Cẩn. Ông Cường đã thực hiện theo đúng hợp đồng là thanh toán hơn 912 triệu đồng. Tuy nhiên, Công ty Cường thịnh không đảm bảo tiến độ bàn giao nhà.
Tại phiên tòa phúc thẩm, TAND TP HCM quyết định giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm của TAND quận 6, buộc Công ty Cường Thịnh phải có trách nhiệm trả cho ông Trần Thanh Cường và bà Nguyễn Phương Thảo số tiền còn nợ theo thỏa thuận là 994.685.675đ, trong đó 182.447.612 đ là tiền phạt vi phạm nghĩa vụ.
Được biết, Công ty Cổ phần Đầu tư kinh doanh Địa ốc Cường Thịnh hoạt động từ năm 2016, có địa chỉ tại số 61A Kinh Dương Vương, Phường 12, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh, do ông Phan Hùng Cường làm Tổng Giám đốc, đại diện pháp luật.
Bà Trần Thị Kim Oanh, cho biết thêm: “Suốt từ năm 2019 đến nay là 4 năm trời rồi mà nhà không giao cho chúng tôi, bản thân tôi đến giờ vẫn sống dựa vào vài đồng lương hưu, không đủ tiền thuê nhà, mà tìm ông Hùng Cường để đòi nhà thì không ra, địa chỉ công ty thì chuyển liên tục, hoạt động chỗ này một thời gian lại chuyển đi nơi khác, chúng tôi phải đi tìm ông ấy khắp nơi”.
Để có thông tin khách quan, bằng nhiều cách, PV đã liên hệ với ông Phan Hùng Cường, Giám đốc Công ty Cường Thịnh nhưng không nhận được sự hồi âm.
Trao đổi với PV Người đưa tin TV, Luật sư Nguyễn Văn Nhàn - Giám đốc Công ty Luật TNHH Nguyễn Nhàn - Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh có lời khuyên, người dân không nên vội vàng, ham rẻ hoặc ham lãi lớn khi mua các dự án còn nằm trên giấy mà phải kiểm tra, đọc kỹ tính xác thực, các điều kiện, điều khoản của dự án trước khi ký hợp đồng.
“Khi người dân muốn mua dự án bất động sản thì cần phải kiểm tra xem dự án đã đáp ứng được các điều khoản theo Điều 41 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (đã được sửa đổi bởi Nghị định 148/2020/NĐ-CP).
Cụ thể, chủ đầu tư dự án phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gồm các công trình dịch vụ, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt; đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực trước khi thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở; đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu gồm cấp điện, cấp nước, thoát nước, thu gom rác thải;
Chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai của dự án gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai (nếu có);
Dự án thuộc khu vực, loại đô thị được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền và các điều kiện khác theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị, xây dựng, phát triển đô thị, kinh doanh bất động sản và nhà ở.”
Trường hợp bạn đã mua phải “dự án ma” thì người mua có quyền khởi kiện đến tòa án nhân dân cấp huyện; nếu có dấu hiệu hình sự, vụ án sẽ được chuyển sang cơ quan điều tra hoặc bạn có thể tố cáo đến cơ quan công an về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản này”, Luật sư Nguyễn Văn Nhàn cho biết".
Cũng theo Luật sư Nguyễn Văn Nhàn, tùy theo hành vi và mức độ vi phạm, nếu hành vi cấu thành “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân, theo khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017.